THỜI KÌ
XUẤT DƯƠNG DU HỌC
XUẤT DƯƠNG DU HỌC
14. CHUYẾN VIỄN DƯƠNG ĐẦY LÍ THÚ
Năm 1950 là NĂM THÁNH nên ở Sàigòn người ta đi Rôma đông lắm, Tây cũng có, Ta cũng có. Chuyến đi du học của thày Quynh hoàn toàn tự túc, nên mặc dầu trong túi cũng có kha khá tiền song vẫn phải chi tiêu căn cơ tiết kiệm. Bởi vậy mà thày Quynh mua vé tàu loại 4 là loại rẻ nhất. Loại này phải nằm võng dưới hầm tàu, chân lép nhép nước ẩm ướt.
Sáng hôm ấy, nhẩm tính là ngày Chúa nhật, thày Quynh mò lên boong tàu vì nghĩ rằng Chúa nhật chắc phải có Thánh lễ. Nhưng thày đã bị nhân viên tàu chặn lại, không cho lên.
Thày ôn tồn nói:
- Hôm nay là ngày Chúa nhật, tôi cần đi dự lễ xong lại xuống ngay mà.
- Có đúng thế không?
- Chính xác.
Thế là thày Quynh được lên. Vừa lúc ấy có một ông cha đang chuẩn bị dâng lễ. Thày hỏi cha:
- Cha định dâng lễ như thế nào?
Linh mục đáp:
- Tôi dâng lễ ở trên cái bàn con này, còn mọi người đứng quây quần cả đây dự.
Thày Quynh hỏi cha:
- Thế ai giúp lễ? Ai hát lễ?
- Chẳng có ai cả. Tôi tự liệu tất!
Thày Quynh đề xuất:
- Cha để con lo liệu việc giúp lễ và hát lễ có được không ạ?
Linh mục mừng quýnh:
- Ôi thế thì tốt quá!
Nhìn đám người tụ họp trên boong tàu, thày Quynh thấy có cả mấy nữ tu trẻ. Thày hỏi các chị: “Chúng ta hát vài bài Thánh ca cho thêm phần sốt sáng chứ?” Nhiều gương mặt hồ hởi tán đồng. Thày Quynh đã chọn vài bài Thánh ca quen thuộc bằng tiếng Pháp như bài TIN CẬY MẾN, bài ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA (Le voici l’Agneau si doux) trong quyển Cantiques de la Jeunesse rất thông dụng thời bấy giờ.
Thày Quynh giúp lễ. Các bài đọc và lời nguyện bằng tiếng Latinh, thày đều chuyển sang đọc bằng tiếng Pháp cho cộng đồng ở đấy dễ hiểu.
Sau buổi lễ đó, cả linh mục và cộng đồng dự lễ nét mặt đều hân hoan. Linh mục đã đề nghị với thuyền trưởng cho thày Quynh được lên khỏi hầm tàu. Mới đầu thuyền trưởng không nghe, nói nguyên tắc là mua vé loại nào phải ở loại ấy. Song nhiều người nói thêm vào với lí do để được phục vụ Thánh lễ hằng ngày cho thuận tiện nên cuối cùng họ cũng ưng thuận cho thày Quynh mang hành lí lên ở buồng riêng hạng nhất với linh mục.
Chuyến tàu viễn dương này khởi hành từ Sàigòn đi Pháp hết 29 ngày. Tàu đi qua Singapore đến Côlômbô thì nghỉ lại một ngày. Mấy cậu trẻ rủ chàng Quynh lên bờ đi chơi. Chàng bảo: “Tớ chỉ không có tiền đi để tiêu thôi, còn địa lí, thắng cảnh vùng này tớ biết hết…Tớ còn biết tiếng để giao dịch nữa.” Bọn họ reo lên: “Thế thì tuyệt rồi! Mời bạn đi làm hướng dẫn viên cho cánh mình, chi phí thì cánh mình xin bao tất.” Tuy thày Quynh chưa ra khỏi đất Việt bao giờ, song địa lí thế giới thì thày thuộc như lòng bàn tay. Thày vẫn hằng mơ ước được đi đó đây du lịch. Nay cơ hội đã đến, phải chớp ngay thời cơ.
Thế là cánh trẻ lên bờ, thuê ôtô đi thăm các thắng cảnh nổi tiếng của Côlômbô. Đến bữa ăn, họ kéo nhau vào khách sạn. Bọn họ rất khoái vì vớ được chàng bạn đường vừa thông thạo lại vừa nhanh nhẹn.
Cuộc hành trình lại tiếp tục. Tàu đến Biển Đỏ để vào kênh đào Suy-ê. Tàu chạy trong kênh nên phải đi với tốc độ chậm. Chàng Quynh đã nắm vững hải trình, giờ giấc của tàu nên lại rủ cánh trẻ lên bờ thăm đất nước Ả Rập Saudi rộng lớn. Rồi cứ bờ đông kênh đào, vọt lên tận Iraq thăm kinh thành Bátđa, xứ sở của bộ truyện NGÀN LẺ MỘT ĐÊM. Israel cũng ngay bên cạnh rồi, làm sao mà bỏ qua được. Bọn họ vào Jêrusalem thăm thánh địa của Do Thái, thăm hang đá Bêlem, rồi hành hương lên Nazaret, quê Chúa Giêsu, thăm cả Biển Hồ Galilê, núi Tabo, nơi Đức Giêsu biến hình. Sau đó bọn họ qua bờ Tây kênh đào thăm đất nước Ai Cập, nơi Kinh Thánh cả Cựu Ước và Tân Ước đều nói đến, nơi Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử loài người. Rồi vùng núi Si-nai, nơi ông Môise đã từng gặp gỡ Thiên Chúa. Đương nhiên họ còn phải đến thăm Kim Tự Tháp, một kì quan nổi tiếng thế giới…
Hai ngày đi chơi thăm hàng chục nước thật đã đời thì tàu cũng vừa đến điểm hẹn bên bờ Địa Trung Hải.
Câu chuyện kể trên nếu nghe vào thời điểm hôm nay thì cũng chẳng có gì lạ lùng lắm. Bởi vì giờ chỉ cần có tiền thì muốn đi đâu cũng được. Có những tua du lịch sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu đi lại xa gần của khách.
Nhưng cha Quynh đã kể cho chúng tôi nghe chuyện này vào thời điểm năm 1956 ở Hải Phòng. Khi ấy việc đi lại rất khó khăn: đến đâu ngủ một đêm, phải khai báo tạm trú, tạm vắng; tỉnh này sang tỉnh khác phải xin GIẤY THÔNG HÀNH. Vì thế, chúng tôi nghe chuyện mà lạ lùng như ở một thế giới ảo. Chẳng khác gì nghe chuyện THỦY THỦ SINBAT trong NGÀN LẺ MỘT ĐÊM.
15. THỜI KÌ DU HỌC TẠI PHÁP
(1950 -1953)
(1950 -1953)
Mấy thằng con trai chúng tôi xúm quanh chiếc bàn viết bằng nhôm của cha Quynh để nghe cha kể chuyện. Cha ngồi giữa, tay nhè nhẹ xoay quả địa cầu, chỉ những điểm ngài đã đến trong thời xuất dương du học. Chúng tôi hỏi cha: “Bước đầu đến Pháp việc học hành của bố có được xuôi xả không ạ?” Ngài vừa trả lời vừa tiếp tục kể chuyện với chúng tôi:
+ Việc học hành và sinh hoạt
Thời ấy ai có tiền và có năng lực thì việc đi du học muốn là được. Đương nhiên, việc tôi nhập học Đại chủng viện Paris thì xuôi sẻ thôi vì có giấy giới thiệu của Đức Giám mục Hà Nội (Ngày 15/8/1950, Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê được tấn phong làm Giám mục tiên khởi Việt Nam tại Hà Nội).
Việc học ở Đại chủng viện Des Carmes nhàn rỗi nên tôi học thêm một trường đại học nữa là trường Sorbone. Điều vất vả của tôi không phải là việc học mà là việc kiếm tiền. Để kiếm thêm tiền ăn học, tôi phải đi rửa bát đêm tại các quán ăn. Công một giờ làm ban đêm bằng hai giờ làm ban ngày. Rửa thì hoàn toàn bằng máy, nhưng mình phải bưng bê từng chồng bát đầy, đi lại thoăn thoắt nên cũng vã mồ hôi.
Về sau, tôi đã lần mò ra cách kiếm tiền cao cấp hơn: viết báo, đi diễn thuyết về Việt Nam. Sang Pháp được nửa năm, tôi còn kéo thêm được hai bạn đi du học nữa là cha Thông và cha Oánh. Cha Thông sang Bỉ, được hưởng học bổng toàn phần (Tôi nhờ ông cha Bỉ đấy). Còn cha Oánh sang Mĩ. Tôi cũng vận động xin cho được suất học bổng toàn phần.
Trong gần 4 năm ở Pháp, các kì nghỉ hè tôi đều ở lại không về nước, vì về thì mất nhiều tiền, lại mất thì giờ nữa. Ở lại, nhiều điều bổ ích và lí thú hơn. Chúng tôi đã mua sắm ôtô, tổ chức cho cả nhóm sinh viên đi du lịch, khắp Châu Âu, Châu Phi và các nước Trung Cận Đông. Có hôm chúng tôi đã đi 900 km để ăn một bữa tái dê chấm mắm tôm (Hồi ấy mắm tôm ở Châu Âu là cực hiếm, vì phải mang từ Việt Nam sang. Nó là loại hàng ô nhiễm, phải đóng vào lọ, rồi lọ lại phải bỏ trong hộp kim loại hàn kín, để nếu lọ có vỡ thì mắm vẫn còn trong hộp, không thoát hơi ra ngoài).
Cứ ở đâu tổ chức giải bóng đá, Olimpic, hay Festival gì đó là chúng tôi đi liền.
+ Hoạt động đấu tranh cho Tổ Quốc
Bên cạnh việc học tập, nghiên cứu, du lịch và vui chơi, chúng tôi còn tích cực đấu tranh với Pháp cho Tổ Quốc. Lúc ấy, tôi được một số báo chí cánh tả viết bài khen ngợi là người đấu tranh mạnh mẽ nhất đòi quân Pháp rút về nước, trả độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, tôi đã vạch mặt thủ đoạn Pháp muốn li gián Cộng sản Việt Nam với Vatican. Vì hồi ấy báo chí Pháp có tung ra một tin rằng Tòa thánh Vatican đã ra một sắc lệnh chống Cộng. Tôi không tin, muốn viết báo phản bác lại, nhưng cần phải có chứng cứ cụ thể. Tôi đã sang tận Rôma gặp Bộ Ngoại giao Tòa Thánh để hỏi cho rõ thực hư. Tòa Thánh cho biết không phải như thế. Tòa Thánh không hề đụng chạm đến Việt Nam. Văn bản đó chỉ nói về Giám mục ở thành phố Syracuse, miền nam nước Ý mà thôi. Một thành phố do đảng Cộng sản Ý điều hành, có mô hình Công giáo và cộng sản sống chung với nhau rất thân thiện. Tiện xe ôtô, tôi lại lái xe chạy thẳng đến Syracuse để hỏi cho rõ ngọn ngành. Sau đó tôi trở về Pháp mới viết một loạt bài báo, cả đi diễn thuyết nữa để vạch mặt sự bịa đặt của thực dân Pháp. Ác liệt hơn là tôi đã có bài can gián các Giám mục Việt Nam đừng tin vào sự xuyên tạc của báo chí Pháp mà có thái độ đối lập với phía Cách mạng Việt Nam. Kì ấy không có người nào dám lên tiếng nói điều đó. Chỉ có tôi, một linh mục mới 26 tuổi, dám vạch thẳng thừng sự dối trá này ngay trên đất Pháp.
Có lẽ Phạm Huy Thông đã báo cáo hết về Việt Nam nên cụ Hồ, ông Đồng, ông Giáp đã biết rất rõ. Sau này, khi tôi về Hà Nội, các vị đó đã gặp ngay tôi để biểu dương khen ngợi.
16. CHỊU CHỨC LINH MỤC
Lễ Phục Sinh năm 1952. Vào ngày 5 tháng 4, tại Đại chủng viện Des Carmes, Paris có Thánh lễ long trọng truyền chức cho 7 tân linh mục. Thày Quynh là một trong bảy Tân chức đó. Thánh lễ truyền chức do Đức Giám mục Eveque Blanchet chủ tế.
Đón nhận Bí tích Truyền chức linh mục vào ngày lễ Phục Sinh đối với cha Quynh có một ý nghĩa thâm sâu đặc biệt: Từ nay, ngài phải sống đời sống mới, là hiện thân của Đức Kitô, vĩnh viễn không để những vương vấn tục lụy thế gian, những thù oán nhỏ nhen xâm chiếm tâm hồn mình. Từ nay Ngài “không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”. Ngài chọn câu Kinh Thánh: “Tình Yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14) làm phương châm sống đời linh mục.
Vì thế ngài không buồn khi ngày trọng đại của đời mình lại vắng mặt ông bà cố, vắng mặt ba người em ruột thịt. Ngược lại, ngài còn thấy thanh thản và vui vì bớt được mọi hình thức rườm rà thế gian.
Tuy vậy, ngài cũng có vài người bạn thân tới dự lễ và có lẵng hoa chúc mừng. Cha Thông là người bạn thân đang học tại Bỉ cũng về dự Thánh lễ Truyền chức. Ngoài ra còn nhóm sinh viên Công giáo Việt Nam đang học tại Pháp, coi ngài là Đại ca của họ, cũng có mặt đầy đủ. Đặc biệt, trong nhóm có cả cô con gái ông Mai Văn Hàm mà ngài đã một thời làm gia sư dạy cô.
Tính đến năm 2006, các vị chịu chức đồng khóa với cha Quynh đã tiến rất cao trong các chức vụ Giáo Hội: Giám mục có, Tổng Giám mục có, Hồng y có. Chỉ riêng cha vẫn là một linh mục, một cha xứ nhà quê và hơn nữa, còn chịu khốn khổ với 28 năm tù quản chế. Bảy tân chức linh mục năm nào với những nén bạc Chúa trao, nay Chúa đã gọi về tính sổ bốn vị, chỉ còn lại ba vị, trong đó có cha Laurenxô Phạm Hân Quynh. Tạ ơn Chúa, đến nay ngài đã gần trời xa đất mà vẫn trung thành với ơn gọi, vẫn trong trắng như buổi ban đầu dâng Thánh lễ mở tay, vẫn được mọi người xa gần yêu mến kính trọng.
Chịu chức linh mục ngày 05-04-1952, tại Paris
Mừng ngân khánh linh mục 2002
17. ĐI DỰ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ TẠI RÔMA
Chúng tôi nghe cha kể chuyện, có lẽ cả người nghe và người kể đều hứng khởi nên câu chuyện vẫn tiếp diễn. Tôi gặng hỏi thêm cha: “Bố hãy kể chúng con nghe một chuyến đi lí thú nhất.” Thế là cha lại tiếp tục kể:
Rất nhiều chuyến đi lí thú, nhưng đây là một chuyến đi oách nhất. Tôi vừa chịu chức linh mục xong thì bên Rôma có tổ chức một hội nghị quốc tế về Phong trào Hòa bình Chúa Kitô, lấy tên là Pax Cristi International. Tôi liền rủ hai bạn nữa là Tòng và Vĩnh đi hành hương. Trên đường đi, chúng tôi gặp hai ông bà già Việt Nam nữa làm thành một đoàn 5 người. Chúng tôi đến trước ngày khai mạc một ngày. Thấy ở đấy có thông báo đã có phái đoàn của 37 nước đến dự, tôi coi tên các trưởng đoàn thì đều thấy Hồng y và Tổng Giám mục cả. Tôi cũng vội vào đăng kí: Phái đoàn Việt Nam đã có mặt gồm 5 thành viên và tôi là trưởng đoàn. Tôi còn cho in ngay một xấp giấy để phát cho những người đến dự hội nghị tham khảo. Nội dung giấy nói lên dự kiến chương trình nghị sự của chúng tôi. Thế là phái đoàn các nước có mặt nhất trí bầu tôi làm Trưởng ban tổ chức và thay mặt cho cả Hội nghị vào chào Đức Thánh Cha, lại còn cử tôi dâng Thánh lễ khai mạc hội nghị trước 3 vạn đại biểu tham dự nữa.
Đương nhiên là Hội nghị này bàn về Phong trào Hòa bình Chúa Kitô trên bình diện cả thế giới. Nhưng đoàn chúng tôi không quên tranh thủ kêu gọi sự đồng tình ủng hộ Việt Nam, đòi buộc thực dân Pháp rút về nước, trao trả độc lập và hòa bình cho đất nước Việt Nam.
18. NGƯỠNG MỘ MỘT DÒNG TU
Hồi năm 1956, cha Quynh mới về Hải Phòng, bọn trẻ chúng tôi coi cha như cuốn “Từ điển bách khoa” sống nên hỏi cha đủ thứ. Một bạn nào đó hỏi cha: “Dòng Tên là gì”. Có lẽ loại câu hỏi này bây giờ chẳng còn ai hỏi cha nữa, vì con cái đã đỡ dốt hơn xưa. Họ cũng có thể tìm đọc sách LỊCH SỬ GIÁO HỘI dễ dàng và nhanh gọn hơn: mở mạng Internet, gõ câu hỏi đó là có bài trả lời ngay thôi.
Nhưng hồi đó chúng tôi nghe cha nói rất thấm thía, muốn nuốt lấy từng lời. Câu chuyện không những mở mang nhận thức mà còn chuyển biến đến cách sống của chúng tôi nữa. Chẳng ai ghi chép gì song kí ức tôi còn lưu lại chuyện cha kể như sau:
Dòng Tên do thánh Ignatius, người Tây Ban Nha, sáng lập vào thế kỉ XVI. Vị thánh nhân này vốn là con nhà quý tộc và thời trai trẻ cũng không đạo đức thánh thiện gì. Học hành chẳng đến nơi đến chốn nhưng chàng lại muốn phải có danh gì với núi sông, muốn làm hiệp sĩ xông pha trận mạc.
Năm đó, quân Pháp tấn công vào quê hương chàng, chàng đã chống cự đến cùng để bảo vệ quê hương. Kết cục, chàng đã bị bắn trọng thương và đã trở thành một phế nhân. Trong thời gian dưỡng thương, chàng được ơn hoán cải, quyết tâm thay đổi cuộc sống. Chàng đọc sách HẠNH CÁC THÁNH và rất mê thánh Phanxicô cùng thánh Đôminicô. Chàng thầm nghĩ: “Ta không còn làm vương tướng gì ngoài đời nữa thì ta phải làm thánh trong Đạo như các vị này.”
Chàng đã tận dụng mọi cơn đau đớn thể xác để rèn luyện linh hồn. Cuối cùng, chàng đúc kêt viết nên cuốn LINH THAO, trong đó vạch ra phương pháp điều khiển đời sống thiêng liêng, một đời sống nhằm phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa.
Sau khi sức khỏe hồi phục, chàng thường đến các bệnh viện giúp người khác về đường thiêng liêng bằng chính kinh nghiệm của mình. Chàng còn say sưa giảng Đạo nữa. Vì giảng Đạo mà chưa được học đầy đủ nên chàng đã bị bắt giam mấy lần. Chàng đành phải đến Paris tiếp tục học văn hóa và học Đạo. Tại đây, chàng đã gặp một số bạn sinh viên cùng chí hướng như Phêrô Favre, Phanxicô Xavier… Về sau tất cả họ đã trở thành linh mục tại Paris. Họ đồng tâm nhất trí tận hiến đời mình cho sự nghiệp truyền giáo. Họ lấy tên là Đoàn Giêsu và đến Rôma đặt mình dưới sự điều khiển của Đức Giáo Hoàng Phaolô III. Lúc ấy họ có tất cả 10 người. Đwsc Giáo Hoàng đã phê chuẩn Đoàn Giêsu thành một dòng tu trong Hội Thánh và gọi là Dòng Chúa Giêsu. Riêng Việt Nam ta, kiêng tên cực trọng Giêsu nên gọi là Dòng Tên.
Tiêu chuẩn ơn gọi Dòng Tên rất cao. Các tu sĩ phần nhiều là những bậc học hành uyên bác, được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực mà tu sĩ Dòng đảm nhận. Để truyền bá và bảo vệ Đức Tin Công giáo, các tu sĩ Dòng phải chiếm lĩnh được đỉnh cao trí tuệ về mọi lĩnh vực như khoa học, triết học, thần học, văn học nghệ thuật…Và đặc biệt, họ sống hòa nhập trong xã hội. Họ có thể là bác sĩ, kĩ sư, văn nghệ sĩ, chuyên viên khoa học, hay làm cố vấn cho vua chúa, cho những vị lãnh đạo quốc gia. Đức Giáo Hoàng Phaolô III đã sai phái Dòng Tên đi khắp Á, Phi, Mĩ Latinh truyền giáo. Riêng cha Ignatius ở lại Rôma và được bầu làm Bề trên Tổng quyền tiên khởi của Dòng.
Một điểm son nữa của Dòng Tên là luôn thao thức canh tân Hội Thánh, lo đào tạo giới lãnh đạo cho Hội Thánh để thích ứng với thời đại. Dòng Tên quả là cánh tay phải của Hội Thánh.
Trong lịch sử, Dòng Tên rất nổi tiếng song cũng chịu nhiều tai tiếng. Luôn bị nhiều phía tấn công, bôi bác, thóa mạ nên đã trải qua những bước thăng trầm: có thời kỳ phát triển, rồi đến thời kỳ khó khăn đến độ phải giải thể, nhưng lại được phục hồi và dần lớn mạnh như ngày nay.
Gần năm thế kỉ, Dòng Tên đã đóng góp nhiều nhân sự, tài lực, cả mạng sống vào công trình bảo vệ và truyền bá đức Tin nhằm thăng tiến con người. Riêng Việt Nam ta có được chữ Quốc ngữ đang dùng ngày nay cũng là nhờ công lao của Dòng Tên.
Cha Quynh kể về Dòng Tên với một vẻ đầy tâm đắc ngưỡng mộ. Chúng tôi cũng nhận thấy cha có nét hao hao giống một tu sĩ Dòng Tên nên đã mạo muội hỏi cha:
- Hình như bố cũng là một tu sĩ Dòng Tên?
Cha con cùng cười rất hồn nhiên. Rồi cha tiếp tục kể như dốc bầu tâm sự: “Năm 1952, khi vừa chịu chức linh mục xong, tôi cũng tìm đến Dòng Tên ở Paris xin nhập Dòng. Sau khi kiểm tra mọi mặt: từ sức khỏe đến học lực, từ tu đức đến năng khiếu sở trường, tôi đã được chấp nhận nhập Dòng và tương lai sẽ được huấn luyện trong một hệ thống trường đào tạo chuyên sâu nào đó. Đến khi ra trường, Bề trên sai phái đi đâu, làm gì thì sẽ phục tùng thực hiện như vậy. Lúc ấy tôi chỉ xin một nguyện vọng: Khi đào tạo xong thì cho tôi trở về Việt Nam, phục vụ Giáo Hội Việt Nam.
Vì đề nghị này mà tôi không được nhập Dòng Tên nữa. Đó là đã thiếu nhân đức vâng lời. Một trong ba nhân đức buộc tu sĩ Dòng phải có.
CHƯƠNG BỐN
BA NĂM CHA QUYNH
Ở HÀ NỘI
Ở HÀ NỘI
19. VÌ SAO CHA QUYNH VỀ NƯỚC? (1953)
Trong bốn năm cha Quynh du học tại Pháp, cha vẫn theo dõi diễn biến chiến cuộc trong nước. Bên quân Cách mạng dùng sách lược TRƯỜNG KÌ KHÁNG CHIẾN, rút vào rừng sâu thành lập các CHIẾN KHU và áp dụng chiến tranh DU KÍCH, nhằm tiêu hao lực lượng địch. Thế cờ của họ qua từng bước: cầm cự rồi đến tổng phản công. Cha nhìn thấy thế cờ tổng phản công đến rồi và quân Pháp sắp thua. Lúc ấy Đức cha Lê Hữu Từ đến Paris thăm Liên đoàn Công giáo Việt Nam, có ghé thăm cha. Cha Quynh trình bày điều đó với Đức cha Từ và tỏ ý không muốn Đức cha Từ dính líu vào chính trường nữa.
Cùng lúc ấy, nhiều lực lượng khác tìm đến và muốn vận động cha đứng về hàng ngũ họ. Phe Quốc trưởng Bảo Đại rồi ông Ngô Đình Diệm cũng muốn cha Quynh và nhóm sinh viên của cha hợp tác. Phía Cách mạng cũng muốn cha nhận nhiệm vụ hoạt động cho Cách mạng. Nhưng cha đã từ chối hết. Cha không muốn lệ thuộc. Cha đã chọn con đường: Chỉ làm linh mục của Đức Kitô mà thôi.
Vì sao cha Quynh về nước? Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau về câu hỏi này. Cách nào cũng dựa vào lời cha nói cả nhưng lại khác nhau.
Năm 2009, vào dịp cha Quynh được phong tước Đức ông, Visentê Viễn, một bạn trẻ trong nhóm cộng sự đã viết một bài trên mạng VietCatholic, trong đó có câu: “Năm 1952, sau khi được phong chức linh mục tại Pháp, mặc dù cha rất muốn ở lại học tiếp nhưng người Pháp đã ngầm trục xuất cha về nước. Vì họ đánh giá cha là loại linh mục đỏ”. Đó là một cách giải thích.
Cách giải thích này đã bị một bài viết sau đó của tác giả Nguyễn Văn Lục phản bác: “Tôi không rõ VietCatholic lấy nguồn tin đó ở đâu, nhưng tôi nghĩ điều đó không chính xác, cần xét lại”. Rồi Nguyễn Văn Lục đưa ra cách giải thích khác chắc như đinh đóng cột vì đã dẫn nguyên văn câu nói của cha Quynh tại Pháp năm 1989 khi trả lời phỏng vấn của Trần Thị Liên: Vì sao cha về nước mà lại lựa chọn miền Bắc chứ không phải miền Nam?
“…Moi, je voulais vite rentrer au Vietnam pour assurer une présence catholique dans un régime communiste.” (…Tôi, tôi muốn mau chóng về Việt Nam để bảo đảm một sự có mặt của Công giáo trong một chế độ cộng sản). Đó là cách giải thích của Nguyễn Văn Lục. Tác giả bài này còn bình luận thêm: “Quyết định ở lại miền Bắc là một quyết định can đảm dễ mấy ai làm được. Ở lại miền Bắc không phải để theo Việt Minh mà để phục vụ Giáo Hội và đồng hành với Giáo Hội trong những gian lao thử thách sắp tới.”
Cách giải thích sau ở thế chủ động hơn, tích cực hơn cách giải thích trước. Tuy nhiên, không vì thế mà cách giải thích trước thiếu chính xác. Đúng là trong nhóm cộng sự chúng tôi đã từng nghe cha Quynh nói cha về nước là do Pháp ngầm trục xuất. Khi ấy chúng tôi còn hỏi cha: “Ngầm là thế nào ạ?” Cha trả lời: “Ngầm là không công khai ra lệnh trục xuất, không muốn làm to chuyện. Nhưng họ đã khôn khéo hơn, gửi điện trao đổi với Tòa Giám mục Hà Nội, chắc là họ kêu ca: Tên Quynh này quậy phá lắm, vuốt mặt không biết nể mũi, có nhẽ hắn là loại linh mục đỏ, đề nghị Tòa Giám mục gọi hắn về nước ngay thôi.”
Như vậy, bị trục xuất và muốn về nước là hai mặt của một vấn đề. Nói nôm na là đang muốn mau chóng về nước thì có lệnh hồi hương. Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên mà.
Về nước để thực hiện cuộc “sống chung”. Đó là một cách giải thích khác nữa mà người chép sách này muốn đưa ra cho thêm phần phong phú.
Thật vậy, có lần cha Quynh đã nói với chúng tôi, ngài về nước để thực hiên cuộc sống chung. Lúc ấy chúng tôi hỏi ngài: “Nội dung sống chung cụ thể là thế nào ạ?”.
Ngài nói: “Tôi chủ trương sống chung chứ không phải chung sống. Lịch sử đã để lại những thành kiến nặng nề từ hai phía, những xung khắc, những oán thù đến mức hầu như không đội trời chung được. Tôi nói từ hai phía có nghĩa là không phải chỉ mình họ có lỗi. Nếu ta lấy oán thù để đáp lại oán thù thì nó sẽ thành mối thù truyền kiếp. Nội dung sống chung của tôi là: Họ đánh ta, ta cố tránh đòn và đừng đánh lại. Hãy ngẫm xem xưa nay ta đã có lỗi gì để khiến họ căm ghét thế và hãy kíp sửa mình cho tốt, hãy sống ôn hòa và chân thành với họ, dần dần họ sẽ hiểu ra ta và sẽ hết oán thù.
Nội dung ứng xử này chẳng phải là cái gì mới. Đó chính là tinh thần của Đạo ta: Hãy yêu thương và tha thứ! Hãy xét mình và thành khẩn đấm ngực nhận ra “lỗi tại tôi”. Trong lịch sử Giáo Hội Pháp, Đức Lêô XIII đã làm như thế. Cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 thành công, họ đã triệt phá Đạo nặng nề vì cho rằng Đạo gắn bó với chế độ phong kiến và đẳng cấp quý tộc. Còn Đạo lúc ấy ngả về phe Bảo hoàng để chống lại Cách mạng. Mâu thuẫn đối kháng đó làm cho chỉ trong 5 năm, một thời gian ngắn, dân tộc Pháp rơi vào cuộc nội chiến, cả hai bên đều ba bốn phen nổi chìm.
Để chấm dứt cuộc vật lộn liên miên giữa Giáo Hội và Cách mạng, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã chủ động giải hòa và sống chung. Giáo hội cũng rút kinh nghiệm, không đi sâu vào thế quyền nữa.”
Lúc ấy trong bọn tôi, có người thốt lên:
- Ở Pháp khác, ở Việt Nam khác. Mình sống chung thì có khác gì đem trạch bỏ giỏ cua.
Tất cả cha con cùng cười vui vẻ. Cha Quynh bảo:
- Cua có gọng, trạch có tài luồn lách tránh đòn. Vẫn tồn tại được mới là điều cừ khôi chứ.
Rồi cha dịu giọng phân tích:
- Các chú thử nghĩ xem, cha ông chúng ta phải mất hơn 300 năm, tốn biết bao mồ hôi và xương máu mới có được cơ ngơi ngôi nhà Giáo Hội Miền Bắc hôm nay, bây giờ chúng ta không chấp nhận sống chung, bỏ đi hết thì Giáo Hội Miền Bắc sẽ thế nào? Có phải là sẽ bị xóa sổ, mất trắng hết không?
Chúng tôi đều im lặng, ngẫm nghĩ câu cha nói rất đúng.
Chợt một tiếng thở dài rất khẽ, rồi một giọng nữ nhỏ nhẹ:
- Vô thần thống trị hữu thần…có sống chung thì kết cục cũng một mất một còn mà thôi!
Cha Quynh vặn lại:
- Thế nào là “vô”? Thế nào là“thần”? Anh VÔ cái “thần” nào? Nên nhớ có nhiều thứ vô thần.
+ Vô thần MỒM (mồm bảo vô thần, song tin đủ thứ linh tinh).
+ Vô thần thực tế (mồm bảo tin, nhưng thực chẳng tin gì)
+ Vô thần giả: Họ vô cái gì họ gọi là thần, nhưng họ hiểu sai thần ấy.
+ Vô thần thật. Loại này thực sự hiếm bởi vì họ có một lí tưởng, một nhân văn, họ tưởng họ rất xa người Công giáo, nhưng như Dostoievsky nói họ thực sự rất gần, chỉ cần một li là họ đạt tới Chúa. Nhiều giá trị Công giáo đã thấm nhập vào nhân loại, người ta sống giá trị Công giáo mà không ngờ, có khi vẫn chống, vẫn chửi một cách bình thường.
Trong Công giáo có quan niệm về “hai thành trì”, “hai phe” trên trần gian. Đó là thành trì của Thiên Chúa, phe của Thiên Chúa và thành trì của Satan, phe của Satan. Hai thành trì này đối lập với nhau. Một bên là ánh sáng, một bên là tối tăm; một bên là sự thật, một bên là gian dối; một bên là tình yêu, một bên là độc ác; một bên là tốt đẹp, bên kia là xấu xa v.v…
Cứ lí luận ấy dẫn đến: Một bên là Giáo Hội, bên kia là cái gì chống lại Giáo Hội. Giáo Hội là “phe” của Chúa thì rõ quá và ắt bên kia là “phe” của Satan. Chỉ còn một bước là ai thắng ai? Thế thôi! Làm gì có chuyện sống chung.
Đúng, có sự đối lập giữa hai thành trì: Làm sao đoàn kết giữa ánh sáng và bóng tối được? Có sự nhất trí nào giữa Chúa Kitô và ma quỷ? Nhưng thành trì này là thế nào? Ranh giới nó phân biệt ra sao? Nó bao gồm những ai? Đặt chữ “ai” là bắt đầu giải quyết rõ ràng vấn đề.
Thực sự ranh giới ấy không đi giữa hai người, hai nhóm người, mà đi giữa tâm hồn của từng người. Vì vậy, nói cho đúng thần học một cách chính xác, không thể chia đôi trần gian làm hai phe người, hai loại người, hai nhóm người. Không có một phe kẻ lành, một phe kẻ dữ. Đây là hai phe “giá trị” không phải hai phe “người”. Hai phe giá trị trong mỗi người. Đây là ranh giới những gì tốt và những gì xấu, trong cả kẻ lành và kẻ tội lỗi.
Hiểu như thế, chúng ta không vỗ ngực nhận mình là phe của Chúa, còn ngoài ra là phe của ma quỷ tất. Rất sai lầm về mặt giáo lí và về mặt xã hội là rất tai hại, gây chia rẽ dân tộc.
Trong cuộc sống chung, chúng ta phải giúp đỡ nhau cho thành trì của Chúa lớn lên nơi mọi người. Chúng ta sẽ có con mắt giản dị, trong sáng, không thành kiến, không thù hằn, sẽ dễ dàng nhận ra cái tốt quanh ta và cố gắng làm cho cái tốt ấy lớn lên, đạt đến viễn giới sự sống đời đời. Đương nhiên là ta sẽ gặp nhiều khốn khó gian nan, song chính sự khốn khó ấy làm cho cuộc sống ta cao đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
***
Những điều cha Quynh nói trên, trước đây nửa thế kỉ, chúng tôi nghe nó mới lắm, lạ lắm. Từ những câu chuyện như tào lao ngẫu hứng, ngài đã dẫn chúng tôi vào bài vỡ lòng thần học, đã mở mắt chúng tôi về cách sống Đạo mới. Chỉ tiếc là kí ức chúng tôi không còn lưu giữ được là bao.
Như vậy tóm lại, cuối năm 1953 cha về nước, không chỉ vì bị Pháp ngầm trục xuất, không chỉ vì giải pháp tình thế để giữ Đạo, mà còn vì một mục đích mênh mông hơn: sống chung để thu hẹp thành trì của Satan lại, để Giáo Hội Việt Nam được tinh tuyền thánh thiện, không những tồn tại mà còn trưởng thành.
20. BÀI GIẢNG HÒA BÌNH Ở PHỦ LÝ 1953
Cha Quynh vừa ở Pháp về Hà Nội thì vào dịp gần lễ Giáng Sinh năm 1953, Đức Giám mục Khuê sai cha đi phụ giúp xứ Phủ Lý. Cha Quynh về Phủ Lý đúng lúc cha xứ đang gặp một tinh huống bí. Đó là đồn lính Tây đóng ở Phủ Lý xin cha dâng một Thánh lễ Noel đặc biệt vào lúc nửa đêm với chủ đề “Cầu cho Hòa bình”.
Cha xứ vì không biết tiếng Pháp nên đã mời cha Quynh cáng đáng giúp. Chủ yếu là cha lo cho phần bài giảng bằng tiếng Pháp. Cha Quynh đã nhận lời.
Nhà thờ Phủ Lý đêm hôm ấy rất nhiều lính Tây. Sếp bốt xưa nay vẫn là một viên quan ba, song đêm nay lại thấy cả viên quan năm mới lạ đến. Họ ăn mặc đều chỉnh tề nghiêm trang. Lính từ trên xe ôtô cam nhông xuống, còn các sĩ quan đi xe con. Tất cả xếp hàng đôi đi rất trật tự vào nhà thờ. Họ đã ngồi vào các ghế hàng trên có đánh dấu dành cho họ. Những ghế còn lại là giáo dân ngồi. Giáo dân đi dự lễ Nửa Đêm cũng rất đông nên phải ngồi kín cả hai bên hành lang nhà thờ.
Xứ Phủ Lý hồi ấy là một vùng tề (vùng quân đội Liên hiệp Pháp kiểm soát), nhưng lại là tề hai mang. Nghĩa là ngày quân đội Pháp kiểm soát, đêm Việt Minh vẫn về hội họp. Vì thế, trong Đại lễ đêm nay cũng có nhiều người thuộc phe Kháng chiến trà trộn vào dự. Trong Thánh lễ, cha xứ đọc Evan bằng tiếng Latinh, cha Quynh đọc lại bằng tiếng Pháp. Đọc xong Lời Chúa, cha xứ mời cha Quynh giảng lễ.
Trong bài giảng đầy linh hứng bằng hai thứ tiếng Pháp - Việt, cha Quynh nói đại ý: Hôm nay chúng ta dâng lễ để cầu cho Hòa bình. Vậy hòa bình là gì? Có nhiều thứ hòa bình. Nhưng hòa bình mà chúng ta cần hướng tới là hòa bình loại nào? Đừng nghĩ rằng không có chiến tranh, không có phản kháng là hòa bình. Chúng ta thử xem lại vài kiểu hòa bình dị dạng mà ở nơi này nơi kia người ta đang theo đuổi xem sao:
+ Hòa bình kiểu mua chuộc (La Paix d’ achart): Anh biết người ta không ưa anh, anh dùng bả danh lợi, chức tước, địa vị, tiền tài mua chuộc họ, đấm mõm họ, biến người trí thức thành trí ngủ, thành người hèn, để họ ngậm miệng ăn tiền. Hơn thế nữa, anh ép họ còn làm tay sai cho anh, đàn áp những kẻ thấp cổ bé miệng, gây nên cuộc “huynh đệ tương tàn”. Hòa bình theo kiểu này, anh cũng thu được một số thành công đấy! Nhưng chúng ta không tán thành hòa bình kiểu đó. Không cầu nguyện mong thứ hòa bình ấy.
+ Kiểu hòa bình khủng bố (La Paix de Prison): Cũng may là đại đa số người dânViệt Nam không hèn, không ngại gian khổ, hy sinh. Nên kiểu hòa bình khủng bố không đè bẹp được ý chí kiên cường của họ. Nhà tù, súng đạn chỉ làm tăng thêm lòng thù hận quyết chiến mà thôi. Loại hòa bình nhưng lại khủng bố cả tinh thần và thể xác những con người bất đồng với mình. Họ dùng các phương tiện dã man như trấn áp, bỏ tù, hành hạ, và cả thủ tiêu nữa. Chúng ta không cầu nguyện cho hòa bình kiểu đó.
+ Kiểu hòa bình nô dịch (La Paix de terreux): Anh nói là anh khai sáng văn minh, tiến bộ cho dân tộc tôi, cho đất nước tôi, nhưng kì thực anh đang thực hiện chính sách nô dịch, biến dân tộc tôi thành nô bộc, nô lệ kiểu mới. Anh biến họ thành những con cừu non, những tên học trò mù quáng, chỉ biết tuân theo sự hướng dẫn của anh, không còn quyền làm chủ bản thân, quyền độc lập suy nghĩ. Anh thực hiện chính sách độc tài, chỉ anh là duy nhất đúng. Nghĩ khác anh, làm khác anh là sai trái, cần phải đè bẹp…
Cha Quynh còn đang say sưa giảng thì từ hàng ghế trên cùng, viên quan năm đã hằm hằm tức giận, đứng lên bỏ về. Đoàn tùy tùng cấp dưới cũng ra xe về theo.
Lễ xong, giáo dân ra về chuyện trò râm ran phấn khởi lắm. Họ ca ngợi bài giảng tuyệt quá! Sao cha trẻ ở đâu về mà lại mạnh mẽ, táo bạo thế nhỉ? Còn cha xứ thì tái mặt nói với cha Quynh: “Cha giảng thế thì chết tôi rồi! Đang lễ mà viên quan năm phản ứng đến độ đứng lên kéo quân về hết thì ngày mai chuyện chẳng lành sẽ đến ngay thôi.”
Cha xứ nghĩ mình đã dự đoán đúng, khi sáng hôm sau hai cha, một già một trẻ đang ngồi uống nước và dùng điểm tâm sáng thì thấy một lính Tây vào, đập gót giày chào theo kiểu nhà binh rồi đưa ra một phong thư, nói là của đại tá mời linh mục giảng lễ đêm qua. Cha Quynh đón nhận giấy mời liếc xem qua rồi bảo tên lính: “Anh cứ về đi! Nói với đại tá rằng đúng 8 giờ tôi sẽ có mặt tại đồn.”
Tên lính Tây bước ra khỏi phòng, cha Quynh nhìn thần sắc cha xứ đầy vẻ âu lo, cha xuýt bật cười. Ngài trấn an cha xứ:
- Cha cứ yên tâm. Con cũng đang muốn gặp thượng cấp của bốt Phủ Lý. Con có nghe ông Trùm Cả nói lính tráng của họ vào làng chẳng hỏi ai, chặt tre bừa bãi. Con sẽ nhắc cho ông ta bảo lính không được phá phách bừa bãi như thế.
Đúng giờ hẹn, cha Quynh có mặt tại đồn Phủ Lý. Một người lính Pháp dẫn cha vào bàn giấy quan năm. Cha tôn trọng chào trước. Viên đại tá đứng lên bắt tay chào lại đúng phép xã giao. Với dáng vẻ hơi lạnh lùng, ông ta làm hiệu cho người cần vụ mang nước và thuốc lá đến mời cha Quynh. Trong câu chuyện mào đầu cứng nhắc như: Linh mục về đây lâu chưa? Linh mục từ đâu mà đến?
Cha Quynh vốn sẵn có thủ thuật trong giao tiếp là biến thế bị động thành chủ động, bằng cách biến câu trả lời thành một câu hỏi mới rất tự nhiên:
- Thưa ngài, tôi mới ở Paris về. Xin lỗi, tôi nghe giọng ngài nói thì ngài không phải là người Paris, có lẽ ngài là người xứ Basque?
Viên đại tá hết sức ngạc nhiên, vẻ phấn chấn:
- Đúng xứ Basque là quê hương tôi. Làm sao mà linh mục biết được?
- Dễ thôi, như ở Việt Nam, người Hà Đông giọng nói khác người Thanh Hóa. Ở Paris tôi có người bạn học quê vùng Basque, giọng nói giống như ngài. Có mùa hè tôi đã về quê ngài. Người dân Basque có đặc tính là thẳng thắn và mến khách. Đặc biệt, trong lịch sử chiến tranh vệ quốc, xứ Basque của ngài nổi tiếng giàu truyền thống yêu nước. Tôi cũng học tập được đôi điều tốt đẹp từ nơi quê hương ngài đấy.
Viên quan năm đôi mắt long lanh hãnh diện, rất khoái vì từ nơi xa xôi đã bắt gặp một người am hiểu về quê hương mình. Nhưng ông ta cũng kịp nhận ra: Những điều mình muốn nhắc nhở răn đe vị linh mục giờ đã bị khóa lại mất rồi. Vì vị linh mục chẳng vừa nói: tính thẳng thắn, truyền thống yêu nước tốt đẹp là đã học được từ quê hương mình sao? Vị linh mục khen xứ sở Basque, đồng thời cũng khéo léo lấy quê hương mình làm lá chắn để bảo vệ ông ta. Thôi cũng đành nhắc vị linh mục đôi câu nhẹ nhàng để kết thúc buổi gặp sáng nay:
- Thưa linh mục, sáng nay chúng tôi mời ngài đến đây là có ý muốn nhắc nhở ngài rút kinh nghiệm bài giảng đêm qua, nên ôn hòa và nể mặt chúng tôi một chút. Chúng ta là bạn mà, đừng gay gắt nặng lời làm gì.
- Vâng. Tôi cũng mong muốn chúng ta là bạn tốt. Nếu là bạn tốt, xin ngài cũng nhắc nhở quân lính ở bốt này không nên vào làng chặt tre, phá phách bừa bãi nữa.
Viên quan năm: “Được! Được!” rồi bắt tay tạm biệt cha.
Dân Hải Phòng, nhiều người đã biết câu chuyện bài giảng Hòa Bình ở Phủ Lý 1953. Vì chỉ năm năm sau (1958), tại nhà thờ An Tân-Hải Phòng, cha Quynh đã giảng lại bài này lần thứ hai. Và lần ở Hải Phòng thì cha gặp phải phản ứng dữ dội hơn lần ở Phủ Lý (Chuyện số 41).
Đúng là lịch sử bị giễu cợt. Chỉ một bài giảng thôi, lần đầu bị Tây chê, phía Cách mạng khen. Lần thứ hai thì bị phía Cách mạng chê, bọn “giáo gian” khủng bố. Giáo dân thì cả hai lần đều khen cả. Chỉ có chính trị là muôn mặt.
21. CHA QUYNH LÀM THƯ KÝ
TÒA GIÁM MỤC
TÒA GIÁM MỤC
Cha Quynh đã kể với chúng tôi việc cha được cử làm thư ký Tòa Giám mục như sau: Năm 1953, cha vừa chân ướt chân ráo về nước, có lẽ Đức cha Khuê không muốn để cha Quynh ở Hà Nội ngay, sợ cha sẽ dính dáng với chính trị. Ngài cử cha về giúp cha xứ nhà thờ Phủ Lý. Song vì “bài giảng Hòa bình” của cha đối với Tây căng thẳng quá, dù cha không có khuyết điểm gì để phải thuyên chuyển ngay, Đức cha đã khôn khéo gọi cha về Tòa Giám mục để thăng chức Thư ký Tòa Giám mục cho cha.
Tình hình Hà Nội năm 1954 có nhiều diễn biến lớn lao và phức tạp. Năm 54 cũng như năm 45, chỉ hai con số hoán vị thôi mà đã tạo thành hai cái mốc quan trọng, hừng hực chứa đầy biến động trong lịch sử Việt Nam. Dầu chỉ viết về lịch sử Giáo Hội Việt Nam cũng không thể bỏ qua hai cái mốc này. Mở đầu từ ngày 13/04/1954, quân Cách mạng tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm giao tranh khốc liệt, quân Pháp đầu hàng, dẫn đến Hội nghị Genève ngày 20/7 ký kết Hiệp định đình chiến ở Đông Dương (gồm Việt, Lào và Campuchia). Đất nước Việt Nam tạm thời bị chia đôi ở vĩ tuyến 17. Bên phía Cách mạng tiếp quản miền Bắc, phía Quốc gia tiếp quản miền Nam.
Trong bối cảnh chính trị, xã hội rối ren nhớn nhác lúc ấy, thì tình hình Địa phận Hà Nội cũng nằm trong trạng huống chung này. Một số các cha xứ ở vùng sâu vùng xa đã nhớn nhác về tạm trú tại Nhà chung Hà Nội, hay Nhà xứ Nam Định. Đức cha Khuê may mắn có trong tay một dàn các linh mục tài năng được đào tạo ở nước ngoài như cha Vinh, cha Mai, cha Nhân. Cha Quynh cũng vừa kịp thời viết thư mời gọi cha Thông và cha Oánh về nước. Như vậy, Đức cha có dồi dào các linh mục ưu tú ở bên cạnh để tham vấn để có những quyết sách ứng phó kịp thời.
Địa phận Hà Nội đã có một chương trình Đại thuyên chuyển các linh mục. Cha Oánh vừa ở Mỹ về có thể còn gặp nhiều nghi vấn khó khăn. Đức cha giữ cha Oánh ở lại Tòa Giám mục đảm nhận chức Thư ký thay cha Quynh. Cha Quynh thì nhận bài sai về làm cha xứ Thạch Bích, Hà Đông và quản nhiệm mấy nhà thờ lân cận.
Đức cha Khuê làm một cuộc đảo lộn toàn bộ các linh mục dưới quyền ngài. Cứ lần lượt ngài viết bài sai từng linh mục một thuyên chuyển; sự thuyên chuyển đều có một nét tương đồng là cha nào cũng chuyển đến một nhiệm sở mới rất xa với nơi cũ mình vừa rời đi.
Cuộc Đại thuyên chuyển đã thực hiện xong trước tháng 10 năm 1954. Nghĩa là trước ngày chính quyền Cách mạng tiếp quản Hà Nội. Trong cuộc thuyên chuyển này, riêng dàn linh mục tài giỏi, ngài vẫn để ở gần mình.
22. VẤN ĐỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Vùng Hà Nội năm 1954 chưa nếm mùi CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (CCRĐ). Nhưng những người dân di cư từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thái Nguyên (được gọi là Vùng tự do) ra nằm la liệt tại Hà Nội, thì họ đã nếm mùi CCRĐ rồi. Họ hốt hoảng nườm nượm kéo nhau ra đi, trông đôi mắt họ còn đầy vẻ hãi hùng như con gà vừa thoát bị cáo vồ.
Vấn đề CCRĐ đã khiến Tòa Giám mục Hà Nội và nhóm linh mục tư vấn quan tâm nghiên cứu. Rồi đây khi cơn đại họa này kéo đến Hà Nội ắt sẽ gây nhiều hậu quả tai hại cho đời sống Đạo và đời của vùng nông thôn Công giáo. Vì bị khủng bố và mua chuộc, con người sẽ nhắm mắt chà đạp lên lương tâm mình, sẽ vi phạm đức công bằng, đức bác ái và sự thật là những nhân đức nền tảng của Giáo Hội, là tinh thần của Chúa Kitô.
Để cảnh báo cụ thể cho đoàn dân Chúa trước đại họa, Đức cha Khuê đã ra Thông cáo số 15: Cấm giáo dân tố điêu: bỏ vạ, cáo gian, vu khống. Cấm giáo dân nói và làm điều lỗi đức công bằng và sự thật. Thà chịu đau khổ quyết không phạm tội, lỗi giới răn Chúa… Đó là tóm tắt nội dung Bản Thông cáo của Đức cha. Các linh mục có nhiệm vụ mang Bản Thông cáo ấy về nhiệm sở mình phổ biến cho cộng đồng dân Chúa rõ.
Cha Quynh không những đã đọc nguyên văn bản Thông cáo số 15 mà còn mở rộng, khai triển thêm để bà con giáo dân nắm cho chắc nữa. Cha đã thực hiện rất mạnh mẽ tại các nhà thờ ngài quản nhiệm, thậm chí xa hơn đến những vùng chưa có linh mục coi sóc như: nhà thờ Bình Đà, Mĩ Đức, Đồng Chiêm, Sải, Kẻ Ái v.v… Đến xứ nào cha Quynh cũng dâng lễ, giảng và giải tội, khuyên răn trước. Đến xứ nào cha cũng đều nói: Tôi đến đây là lần cuối cùng, lần sau khi sự dữ xảy ra thì chẳng còn cha nào đến được nữa. Vậy ai có tai thì hãy nghe và nhớ lấy!
Đúng là sau chuyến đi đó, họ đã cấm cha Quynh đến các vùng này. Song nhờ có cuộc Đại thuyên chuyển và bản Thông cáo số 15 rất kịp thời mà khi cơn bão CCRĐập đến đã giảm thiểu được tác hại, đau khổ và mất mát cho cộng đồng dân Chúa trong Địa phận.
23. CHA QUYNH QUYẾT LIỆT CHỐNG HÀNG NGŨ GIÁO SĨ DI CƯ VÀO NAM
Sau Hiệp định Genève, ở các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, đâu đâu cũng chỉ thấy người dân bàn tán xôn xao: ra đi hay ở lại. Người ta tính tỉ số người ra đi ở các vùng kể trên vào khoảng từ 80% đến 95%. Người viết bài này chẳng rõ tỉ số đó có chính xác không.
Còn về phía Địa phận Hà Nội, theo hồi ký của Đức cha Trọng kể thì Hà Nội có 140 linh mục đã đi 80. Tại sao hàng giáo sĩ lại ra đi nhiều như vậy? Đây không đơn thuần chỉ là chuyện yêu – ghét, mà phải nói chính xác là khiếp sợ. Vùng Khu 4 (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) đã làm thí điểm CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (CCRĐ) từ năm 1953. Giờ đây họ đang bỏ cửa bỏ nhà ra đi trong tinh thần hoảng loạn.
Dân đã sợ nhưng các linh mục còn sợ hơn. Ở các xứ Đạo nhà quê, xứ nào chẳng có ruộng Nhà thờ, ruộng Đức Bà cho phát canh thu tô. Linh mục là người cai quản nhà thờ, không cày ruộng mà thu tô thì đúng thành phần địa chủ rồi. Chẳng nhẽ Đức Bà là địa chủ? Nếu linh mục nào có máu chống cộng, hoặc đã dây vào chuyện rào làng lập bốt, nhận súng của Tây thì giờ càng phải mau cao chạy xa bay.
Việc xứ Đạo giữ súng rào làng xem như một biểu hiện chống đối Cách mạng. Thực ra đấy chỉ là một giải pháp tình thế tự vệ. Không cho Việt Minh đến thì đồn Tây sẽ không nã pháo vào làng, không càn quét phá phách, làng sẽ bớt tổn thất thiệt hại người và của.
Trước tình hình nhiều linh mục tuốn về Hà Nội để di cư một cách vô tổ chức, Đức cha Khuê thấy phân vân khó nghĩ. Ngài liền tham vấn cha Quynh, lúc ấy là trợ tá Tòa Giám mục kiêm quản lí Nhà chung. Cha Quynh góp ý với ngài rằng: “Đối với giáo dân thì đi hay ở là tùy người ta. Còn linh mục, tu sĩ thì Đức cha phải ra lệnh cấm di cư.”
Đức cha Khuê không nói gì. Cha Quynh coi như ngài ưng thuận. Liền về phòng thảo ra một Thông báo:
LỆNH ĐỨC GIÁM MỤC cấm các cha di cư vào Nam. Cha nào đã về đây thì chỉ được giải quyết nơi ăn chốn ở một ngày. Xin mời các cha mau chóng trở lại nhà xứ cũ.
Cha Quynh trình Đức cha duyệt bản Thông báo. Đức cha xem rồi bảo: “Sơ sài quá! Cha viết thêm vào vài điểm nữa cho chặt chẽ văn bản: Cha nào xét thấy ở lại có lí do để bản thân gặp nguy hiểm, hoặc sẽ gây bất lợi cho Giáo Hội thì trực tiếp gặp Đức cha đề đạt nguyện vọng để ngài xem xét cho phép đi. Cha nào không được phép đi mà vẫn cố tình đi thì bị phạt vạ Suspensio, nghĩa là bị treo chén”.
Chúng tôi đôi lần được nghe cha Quynh kể chuyện ngài đã đấu tranh quyết liệt để giữ hàng giáo sĩ Hà Nội ở lại. Khi ấy cha con chúng tôi chuyện trò, đối thoại rất thân tình. Chúng tôi hỏi cha:
- Làm như thế, cha có bị phản ứng mạnh không?
- Có. Rất mạnh! Cha thì bảo tôi là linh mục cộng sản, cha thì giễu tôi là cháu ngoan bác Hồ. Có cha bảo: Rồi sẽ biết, không bị móc mắt thì cũng tù suốt đời.
Tôi đáp:
- Nếu quả có việc đó xảy ra sau này thì tôi cũng vui lòng chấp nhận. Chỉ xin các vị khi đó đừng chê cười tôi, hãy thương tôi và cầu nguyện cho tôi được chịu khó cho nên.
Một số cha bất chấp lệnh Giám mục cấm, vẫn cứ trốn đi Nam. Cha Nguyễn Thái Bá trốn xuống Hải Phòng, đến cầu Phú Lương bị Cách mạng bắt lại. Cha Quynh biết tin, phải đến xin bảo lãnh cho về. Còn thày Sang và 3 linh mục nữa đã đi thoát vào đến Sàigòn. Cha Quynh vào tận Sàigòn tìm và đưa tất cả trở về Hà Nội.
Thảo nào cha Triều nói với chúng tôi: “Không có cha Quynh thì làm sao có Giám mục Sang, làm gì có linh mục mặt trận Nguyễn Thái Bá!”.
Chúng tôi hỏi cha:
- Cha xông xáo như vậy, không sợ bị nghi ngờ, bị bắt à?
- Sự thực thì lúc ấy giữa đám hỗn độn người dân di cư nằm la liệt ở sân Nhà chung, tôi đã gặp cả người của Pháp và của Cộng sản tìm đến liên hệ với tôi. Như tên Kỳ làm ở Phòng Nhì (2è Bureau) của Pháp bảo tôi: “Cha ở lại con sẽ trao cho cha một máy điện đài và một số tiền, cha sẽ sử dụng để thu lượm tin tức cho con.” Còn cán bộ cộng sản thì bảo tôi: “Chúng tôi biết linh mục là người yêu nước. Ngài hãy dùng cương vị mình, tích cực vận động bà con Công giáo ở lại, đừng di cư theo địch. Cả hàng ngũ giáo sĩ cũng thế.” Rồi họ trao cho tôi một tệp giấy GIỚI THIỆU có đóng dấu sẵn của Chính quyền Cách mạng.
- Bố có thái độ ứng xử thế nào?
-Tôi đã mắng vào mặt tên Kỳ và tất nhiên không nhận gì. Còn những giấy có đóng dấu lưu không của bên Cách mạng trao cho tôi, tôi đã dùng nó để viết giấy giới thiệu, bảo lãnh cho các cha mà tôi vận động ở lại được trở về nơi cũ an toàn. Tâm lí các cha đã chót di cư, khi tôi vận động ở lại thường lo sợ. Bảo tôi: “Cộng sản họ đa nghi lắm! Mình đã ra đi rồi mà giờ lại thấy trở về là họ bắt ngay. Mà khi trở về còn phải qua một vùng đồn bốt Tây kiểm soát nữa. Có thể Tâ ynó cũng bắt…Những tình huống ấy, tôi đã giải quyết bằng cách lấy xe con của Tòa Giám mục đưa các cha an toàn qua đồn bốt Tây. Còn sang đến vùng Việt Minh thì các cha đã có giấy bảo lãnh của tôi rồi.
Cha Quynh kể tiếp:
- Có một chuyện rất cảm động là sau này một trong ba ông cha tôi dẫn độ từ Nam về đã bị hành hạ trong CCRĐ. Tôi đã tìm đến và nhận lỗi là vì tôi mà cha phải khổ. Cha có oán hận tôi không?
Cha đó trả lời:
- Tôi không hề oán cha. Ngược lại, tôi đã biết ơn cha nhiều lắm!
- Vậy thì tôi cũng cám ơn cha, vì lòng tôi đã hết ray rứt…
Như vậy xem ra Đức cha Khuê và cha Quynh là một cặp thầy trò ăn ý, không đến nỗi như có người tưởng là kị nhau. Vì thế mà hơn 20 năm Nam Bắc cách ngăn, Giáo phận Hà Nội được kể là còn nhiều chủ chăn nhất so với Thái Bình, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hải Phòng.
24. HỒ CHỦ TỊCH MỜI GẶP MẶT
Ngày 10/10/1954, Chính quyền cách mạng tiến vào tiếp quản thành phố Hà Nội. Chỉ mươi ngày sau, cụ Hồ đã có giấy mời đích danh: Đức Giám mục Trịnh Như Khuê và linh mục Phạm Hân Quynh, thư ký Tòa Giám mục, vào Phủ Chủ tịch.
Đức cha Khuê xưa nay vốn không ưa phải tiếp xúc nơi quan trường, song hôm nay có cha Quynh cũng được mời cùng đi nên ngài yên tâm.
Đúng giờ và địa điểm ghi trong giấy mời, Đức cha Khuê và cha Quynh có mặt tại Phủ Chủ tịch. Cụ Hồ ra tận cửa bắt tay đón mời vào phòng. Lúc ấy phòng khách của Chủ tịch không vệ sĩ, không thư kí, không có bất cứ một ai. Có lẽ cụ muốn xử sự một cách thân mật đặc biệt.
Trong màn chào hỏi, Đức cha giới thiệu cha Quynh cùng đi. Cụ Hồ tỏ ra rất hài lòng vì được gặp vị linh mục trẻ nổi tiếng là người cương trực.
Cụ nói:
- Ở bên Pháp, linh mục đã dám đấu tranh mạnh mẽ, đòi buộc người Pháp phải trả lại độc lập cho Việt Nam. Về Việt Nam, vẫn khí phách kiên cường ấy, lại vạch mặt đạo đức giả của bọn thực dân xâm lược Pháp tại nhà thờ Phủ Lý đêm Noel năm vừa qua. Linh mục quả là người dũng cảm, rất đáng tuyên dương khen ngợi.
Rồi cụ Hồ quay sang Đức cha Khuê:
- Thưa cụ Giám mục, chúng tôi biết tin Cụ có thành tích đã kịp thời ngăn chặn các chức sắc của mình, không cho di cư vào Nam theo địch. Điều đó tốt lắm! Nhưng…
Đột nhiên cụ Hồ nhìn Đức cha Khuê:
- Tại sao cụ Giám mục chỉ ra lệnh cho hàng chức sắc ở lại thôi? Phải kêu gọi cả tín đồ của mình không được di cư chứ! Tôi thương đồng bào Công giáo bị địch xúi giục bỏ nhà ra đi, không làm mồi cho cá biển thì cũng vùi xác trong đồn điền cao su, hoặc làm bia đỡ đạn cho địch. Tôi thương đồng bào Công giáo lắm!
Nói đến đây, cụ Hồ rút từ trong túi áo ra chiếc khăn mùi soa rồi đưa lên chấm chấm mắt, ý như lau nước mắt. Đức cha Khuê hơi lúng túng, ra dấu cho cha thư kí trả lời. Với óc quan sát tinh tường, cha Quynh ngạc nhiên vì thần tượng bị sụp đổ qua cử chỉ cụ Hồ lau nước mắt. Tuy nhiên, ngài vẫn đáp lời cụ Hồ bằng giọng nói lễ phép.
- Thưa cụ Chủ tịch, Đức Giám mục cháu đây chỉ có quyền ra lệnh cho hàng giáo phẩm dưới quyền mình phải ở lại. Vì chủ chăn chưa đi thì linh mục là nhân sự của ngài chưa được đi. Còn giáo dân thì lại khác, họ có quyền tự do lựa chọn nơi cư trú; ở đâu, làm gì, đó là quyền tự do của họ. Giám mục cháu không dám ngăn cản họ ở lại. Vì làm như vậy là vi phạm vào chữ kí của cụ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt cụ kí trong hiệp định Genève đấy ạ.
Nghe những lời nói ôn tồn và sắc sảo của cha Quynh, nét mặt cụ Hồ bỗng biến đổi. Cụ chuyển sang câu chuyện khác, rồi kết thúc cuộc gặp.
25. CHA QUYNH TRÊN LỄ ĐÀI BA ĐÌNH
Ngày 10/10/1954, Chính quyền Kháng chiến vào tiếp quản Hà Nội. Cả thành phố rục rịch chuẩn bị gần ba tháng trời cho ngày duyệt binh đầu tiên của thủ đô Việt Nam giải phóng. Khắp phố phường đều làm cổng chào, giăng cờ kết hoa. Tối tối từng đoàn người tập dượt diễu hành trên phố.
Người viết bài này khi ấy cũng có mặt trong các buổi tập diễu hành, thuộc khối sinh viên, còn quá ít so với khối khác. Tối nào cũng chỉ tập đi một hai, một hai…Hàng ngang 8 người phải thẳng, hàng dọc phải cách đều và phải bước đều. Hai tháng trời tập vất vả để giành cho một ngày. Ngày ấy đã đến.
Đó là ngày 1 tháng 1 năm 1955. Tôi cũng không nhớ khi đó người ta gọi ngày này là ngày gì? Ngày lễ mừng Chiến thắng hay ngày Chính quyền Cách mạng ra mắt quốc dân? Tôi chỉ biết lòng tôi lúc ấy cũng rộn rã lắm! Tôi bất giác nhớ lại khúc hát:
“Trùng trùng quân đi như sóng
lớp lớp đoàn quân tiến về.
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố…”
Quả là một ca khúc “tiên tri” mà Văn Cao đã sáng tác từ năm năm về trước, nay đã thành hiện thực. Khi đi qua lễ đài Ba Đình, ai trong khối diễu hành cũng hướng về lễ đài trên cao, vẫy chào các vị lãnh tụ và các quan chức cao cấp. Tôi cũng làm như thế.
Lúc đó tôi có ngờ đâu trên lễ đài cao trọng ấy lại có cha Quynh, một linh mục trẻ Hà Nội.
Sau này cha con gặp nhau ở Hải Phòng, chúng tôi mới được nghe cha kể chuyện đã ngồi trên lễ đài Ba Đình xem duyệt binh:
- Tôi được mời đón rất trọng vọng, có xe đưa đón hẳn hoi. Họ xếp tôi ngồi số ghế 192, còn trên Balan số 193. Chỉ có sau Liên Xô số 190 và Trung Quốc số 191.
Chúng tôi hỏi cha:
- Cha được mời với danh nghĩa gì?
- Tôi cũng chẳng biết nữa. Chỉ thấy giấy mời đích danh
là đi.
là đi.
Nghe vậy, chúng tôi cười, bình luận tếu:
- Cha là ngang cấp đại sứ rồi. Có lẽ người ta muốn ngài thay Đức Khâm sứ Dooley chăng.
26. CHUYỆN LÀM MỤC VỤ VỚI ĐỊA CHỦ
Cơn bão “Cải cách” long trời lở đất đã ập đến toàn bộ miền Bắc Việt Nam. Liên quan đến sự kiện này có câu chuyện làm mục vụ với địa chủ, chúng tôi được nghe cha Quynh kể lại như sau:
Một hôm ông Trùm Hai từ Thạch Bích lặn lội ra Nhà chung Hà Nội tìm cha Quynh, hớt hải nhìn trước nhìn sau rồi trình:
- Thưa cha. Có ông Phúc, cha còn nhớ không?
- Ông Phúc, bố cô Cậy, nhà ở bên bờ ao đằng sau nhà thờ có phải không?
- Vâng. Cha còn nhớ đấy. Giờ ông ấy bị quy là địa chủ cường hào rồi! Mọi giống tội xấu xa nhất trên thế gian họ đều chụp lên đầu ông ấy cả.
- Tôi đã căn dặn trước rồi mà họ vẫn còn tố điêu à?
- Không. Giáo dân vẫn nhớ lời cha dạy bảo, không ai dám tố điêu. Đây là mấy cốt cán dân ngoại. Hiềm một nỗi, chúng con không ai dám bênh vực ông Phúc để làm chứng sự thật. Đội Cải cách đã quy định: Đối với địa chủ, bà con nhân dân chỉ được phép giơ tay đả đảo! đả đảo! không được giơ tay có ý kiến bao che. Đó là lập trường giai cấp phải giữ vững. Vì thế chúng con rất ấm ức mà đành ngồi yên.
- Giờ ông Phúc ra sao rồi?
- Thưa cha, rất yếu. Con gái không được vào, chỉ có đứa cháu vào thăm, đút cho ông thìa cháo. Có lẽ ông sắp chết rồi ạ.
- Liệu tôi có vào được không?
- Cũng có thể nên con mới ra trình cha. Nhưng phải hết sức khéo léo. Cha nên vào lúc 12 giờ rưỡi đến 1 giờ rưỡi. Phải đi cổng sau nhà thờ. Đội canh gác ở trên nhà ông Phúc, còn ông Phúc bị xích ở dưới bếp, ngay bên bụi găng rậm rạp. Cha từ đằng sau bụi găng mà lẻn vào là chúng không nhìn thấy.
- Thôi được rồi. Ông trùm về trước đi! Nếu có gì khác thường thì báo hiệu cho tôi ngay ở nhà bà Quế nhá.
Cha Quynh chuẩn bị xong Dầu Thánh và Mình Thánh rồi vội vã lên đường.
Đúng trưa, cha đạp xe đến nhà bà Quế ở đầu làng Thạch Bích. Dân gian có câu “mưa không qua ngọ…” thế mà trưa nay trời lại lấm tấm mưa. Bà Quế thấy cha thì mừng rỡ kéo ngay vào trong nhà. Cha ra hiệu để lúc khác chuyện trò, giờ cho cha gửi chiếc xe đạp và kiếm cho cha xin một chiếc nón với cái áo tơi lá. Bà nói: “Nhà chỉ còn đồ cũ thôi, để con chạy đi mua cho cha nón áo mới.” Cha bảo: “Càng cũ càng tốt. Đưa mau nón áo ra đây.” Cha liền mặc áo tơi, đội nón đi ra…
Sự tháo vát, nhanh nhẹn, ưa mạo hiểm thời “Hướng đạo sinh” năm nào nay cha có dịp nếm lại. Thoắt cái cha đã đến cánh đồng sau nhà thờ. Dáng dấp như anh chàng chăn vịt, cha mò vào bờ ao, rồi dò dẫm đến bên bụi găng. Quan sát thấy yên ắng, cha lẻn vào bếp. Ông Phúc nằm co ro như đang ngủ. Cha ghé sát tai gọi: “Ông Phúc ơi! Cha Quynh đây!” Ông lờ đờ hé mắt nhìn. Khi định thần đúng cha Quynh rồi, nét mặt ông bỗng biến đổi rất nhanh. Từ ngạc nhiên, đến mừng rỡ, đến hạnh phúc và cuối cùng là mãn nguyện.
Cha Quynh đã cho ông Phúc chịu các phép Bí tích trong Đạo đầy đủ: Bí tích Giải tội, Bí tích Xức dầu và Bí tích Mình Thánh. Cha khuyên ông can đảm vững vàng vượt qua mọi đau khổ để vào hưởng vinh quang với Chúa.
Ông Phúc tỏ ra an tâm và vui mừng lắm. Giờ thì ông chẳng còn sợ gì nữa. Ông tạ ơn Chúa vì đã thương ông, đã sai cha đến với ông trong giờ phút ngặt nghèo này. Ông nắm tay cha, miệng lắp bắp: Tạ ơn Chúa! Con tạ ơn Chúa!
Cha Quynh đã hoàn thành nhiệm vụ, vứt nón, áo tơi vào xó bếp, buông áo chùng thâm xuống, ung dung bước ra về. Vừa ra khỏi sân nhà ông Phúc thì gặp một toán dân quân do một phụ nữ cầm đầu. Người phụ nữ đó quát:
- Anh là ai? Vào nhà này làm gì?
- Tôi là linh mục. Tôi đến nhà giáo dân để làm các phép Đạo theo đúng bổn phận của một linh mục.
- Anh có biết giáo dân của anh là kẻ có tội không?
- Tôi biết. Chính vì biết mà tôi là một linh mục cần phải đến.
Người phụ nữ giọng hách dịch, càng quát to hơn:
- Anh có giấy tờ gì chứng minh anh là một linh mục?
Cha Quynh nắm vạt áo chùng thâm nâng lên nói:
- Thưa, tấm áo chùng thâm này nói lên điều đó.
Người phụ nữ giọng mỉa mai:
- Áo với chả quần. Anh cởi bỏ bộ quần áo ấy ra thì anh cũng như tôi mà thôi. Linh mục gì anh.
Cha Quynh bình tĩnh phản ứng:
- Bà nói sai rồi.
Người phụ nữ nổi đóa:
- Á, anh này láo! Ai cho phép anh dám nói cán bộ sai? Dân quân đâu, giải anh này về xã cho tôi!
Khi ấy nhiều giáo dân đã kéo đến. Cha Quynh ôn tồn nói:
- Tất cả bà con ở đây đã nghe rõ, bà ta vừa bảo cởi áo quần ra thì ai cũng như ai. Tôi bảo bà ta nói sai rồi. Tôi khác bà ta chứ. Bây giờ trước mặt nhân dân, bà và tôi cùng cởi ra xem ai đúng ai sai!
Mọi người cười ồ lên. Bao nhiêu con mắt chiếu về phía người phụ nữ. Bà ta đỏ mặt, chạy vội vào nhà ông Phúc. Đám dân quân cũng lẽo đẽo vào theo.
Mấy người giáo dân sán đến bên cha nói nhỏ: “Chúng con lo cho cha quá! Thôi cha về ngay đi.”
Cha Quynh ra nhà bà Quế lấy xe đạp và trở về bình an.
27. NHỮNG BUỔI GIÁO LÍ ĐẶC BIỆT
Người viết đặt tựa đề bài này là “NHỮNG BUỔI GIÁO LÍ ĐẶC BIỆT” bởi vì đây không phải là một lớp giáo lí thông thường. Nó đặc biệt cả về nội dung, cả về hình thức. Về nội dung, trước đó, nói đến học giáo lí là học Kinh Bổn (Kinh Bản), Ý nghĩa Đức Tin, Ý nghĩa Bảy phép Bí tích v.v… Về hình thức, thường là tổ chức lớp học, có phòng học, có danh sách học viên, có khai giảng và kết thúc khóa học.
NHỮNG BUỔI GIÁO LÍ ĐẶC BIỆT này được tổ chức tại sân trường Dũng Lạc, Nhà chung Hà Nội, vào các ngày thứ Ba hàng tuần. Mới đầu có một hai trăm người tham dự. Về sau, càng ngày càng đông, có buổi lên đến trên ngàn người, phần nhiều là giới trẻ và sinh viên.
Hình thức học: Khởi đầu nghe một cha thuyết trình về một bài giáo lí. Có 3 cha luân phiên nhau thuyết trình là cha Thông, cha Oánh và cha Quynh. Cha nào giảng cũng hay, cũng hấp dẫn, nhưng cha Quynh thì có phần dí dỏm hơn. Thời gian giảng mỗi bài độ nửa giờ. Sau đó người tham dự đặt câu hỏi để được giải đáp. Phần này rất sôi động: có đồng tình, có phản biện. Vì nội dung chủ đề bài thuyết giảng thường là rất mới mẻ, cập nhật, có liên quan đến nhân sinh quan, thế giới quan đang thống trị trong các nhà trường của chế độ Cách mạng.
Tôi còn nhớ một buổi học mà mình được tham dự. Hôm ấy chủ đề bài học là: TÔN GIÁO LÀ GÌ? Tôi chỉ còn nhớ láng máng bài thuyết trình: Vì con người là hình ảnh Thiên Chúa, nên luôn khắc khoải hướng về Thiên Chúa là nguyên ảnh của mình. Cái niềm khắc khoải muốn liên hệ với Đấng thần thiêng ấy là khởi đầu của Tôn giáo.
Bài học này có nhiều vấn đề đụng chạm tới ý thức hệ hiện hành tôi chẳng còn nhớ hết được, song cũng chẳng cần bê cả bài vào đây. Trong bài giáo lí ấy còn một ý nữa là: Tôn giáo là phản ảnh ý thức của linh hồn, là đặc điểm để phân biệt con người với con vật. Thiên Chúa còn đặt lề luật Chúa trong lòng con người gọi là lương tâm. Con người sống theo đúng lương tâm đã là có tôn giáo. Đạo này gọi là đạo tự nhiên. Bởi thế, bất cứ thời gian nào, bất cứ ở đâu có con người xuất hiện là có tôn giáo.
Những ý thuyết trình trên đã làm cho buổi học giáo lí rất sôi động ở phần đề xuất thắc mắc và giải đáp thắc mắc:
+ Thưa cha, chúng con được học: Tôn giáo xuất hiện là do con người khi ấy còn dốt nát, còn khiếp sợ trước uy lực của thiên nhiên nên sinh ra tôn giáo. Giải thích như vậy có đúng không? Nếu sai, sai ở chỗ nào?
+ Thưa cha, nói tôn giáo là đặc điểm để phân biệt con người với con vật. Con vật không tôn giáo thì đúng rồi. Còn con người không tôn giáo thì chẳng lẽ không phải là người sao?
+ Thưa cha, Giáo lí Công giáo hiểu thế nào về học thuyết tiến hóa của Darwin ?
Đó là những thắc mắc viết gửi đến các cha để được giải đáp. Giải đáp rồi vẫn có thể còn có ý kiến phản biện, chưa thông của tham dự viên. Các cha giải đáp cho tới khi nào tất cả vỗ tay biểu lộ khẩu phục, tâm phục mới thôi.
Có một buổi học, tất cả thày trò đều bị mời ra Đồn Công an Hoàn Kiếm. Nói chính xác là các cha thuyết giảng bị mời, còn các tham dự viên cũng cùng đi theo các cha. Lí do bị mời chỉ đơn giản là: Số tham dự viên quá đông đã sai với khai báo ban đầu. Vì ban đầu, các cha có đơn trình báo với công an là: Hàng tuần, vào chiều thứ Ba, có buổi giảng giáo lí thường thức tại sân trường Dũng Lạc cho khoảng vài chục đến hàng trăm người tham dự. Nay con số đã lên tới trên hai ngàn người, quá sai với khai báo. Nên từ nay quyết định chấm dứt kiểu học quá ồn ào đó.
Những buổi học giáo lí trên được khởi sự từ giữa năm 1955 sang đến đầu năm 1956 thì bị cấm dẹp. Việc tổ chức giáo lí là việc làm thường xuyên của Giáo Hội nhằm nuôi dưỡng đức Tin cho giáo dân. Nhưng phải nói rằng khi ấy nó là một giải pháp tự vệ kịp thời, chặn lại những thế lực vô thần đánh vào đức Tin, muốn cho tôn giáo sớm lụi tàn mà không cho quyền tự vệ.
Dầu sao thì đây cũng là một nỗ lực lớn của cha Thông, cha Oánh và cha Quynh, đã kịp thời làm được việc ích lợi cho Giáo Hội trong những ngày đầu SỐNG CHUNG.
28. MUỐN LẬP BAN ĐẠI DIỆN CÔNG GIÁO
Hồi còn làm thư ký Tòa Giám mục Hà Nội, cha Quynh và Đức cha Khuê đã một lần tiếp kiến thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong lần gặp gỡ ấy, thủ tướng ngỏ ý muốn lập một Ủy ban làm sợi dây liên lạc giữa Nhà nước và Giáo Hội. Đức cha Khuê và thủ tướng đều đồng thuận chọn cha Quynh làm đại diện phía Giáo Hội.
Vâng lệnh Đức cha Khuê, cha Quynh đã tiến hành bàn với phía Nhà nước vấn đề đó. Về chức năng và quyền hạn, cha Quynh đề nghị: Ủy ban này phải được bình đẳng, được liên hệ hàng ngang với Ban Tôn giáo Chính phủ, tương tự như mô hình tổ chức Hòa bình ở Ba Lan. Nhưng phía Nhà nước không nghe. Họ bảo Ba Lan 90% Đạo, còn ở Việt Nam làm thế không được.
Sau đó 3 lần, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, một người Công giáo miền Nam tập kết ra Bắc, đã viết thư trao đổi với cha Quynh muốn tiếp tục bàn việc thành lập Ủy ban này, nhưng cha Quynh đã không trả lời cả 3 bức thư ấy. Điều đó làm cho ông luật sư Vĩnh tự ái.
Tôi (người chép chuyện) tình cờ đọc trên báo La Croix (Thánh Giá), một nhật báo Công giáo Pháp, bắt gặp bài viết của ông Vĩnh đã thể hiện lòng tự ái đó. Dầu sự kiện đã qua đi lâu năm rồi, ông Vĩnh vẫn còn oán hận cha Quynh. “Tại sao ông Quynh không trả lời tôi? Điều ấy nói lên ông là người không có thiện chí.”
Lúc đó tôi còn lơ tơ mơ chuyện này, đã hỏi cha Quynh:
- Ông ấy viết đến bức thư thứ ba mà sao cha vẫn im lặng không trả lời?
- Im lặng là một cách trả lời rồi.
- Con chưa hiểu.
- Sao mà tối dạ thế! Ông ấy lấy tư cách gì mà đòi bàn với tôi. Ông ấy là một giáo dân, không thể đại diện cho Nhà nước. Tôi đại diện Giáo Hội phải bàn với đại diện Nhà nước. Cái đầu phải bàn với cái đầu. Cái đầu sao lại đi bàn với đầu gối. Có thế mà không hiểu.
Sau cùng thì cái Ủy ban đại diện ấy vẫn được nặn ra. Lấy tên dài lê thê là: ỦY BAN LIÊN LẠC NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO YÊU TỔ QUỐC YÊU HÒA BÌNH gọi tắt là ỦY BAN LIÊN LẠC CÔNG GIÁO (UBLLCG) do linh mục Vũ Xuân Kỷ thuộc Địa phận Hà Nội đứng đầu. Mặc dầu vậy, họ vẫn cảm thấy cái UBLLCG này yếu ớt thế nào ấy. Vì thế, trước ngày UBLLCG ra mắt một tuần tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Nhà nước vẫn còn cử một phái viên đến gặp cha Quynh, tha thiết mời cha giữ chức chủ tịch UBLLCG thay cha Vũ Xuân Kỷ. Nhưng cha Quynh vẫn cương quyết từ chối.
Tuy nhiên, để tỏ thiện chí, cha Quynh khuyên UBLLCG trước khi ra mắt nên vào chào Đức cha Khuê và xin phép ngài cho hợp phép Hội Thánh. Nhưng cha Vũ Xuân Kỷ đã không làm theo gợi ý của cha Quynh. Vì thế, tổ chức UBLLCG chỉ hợp pháp với Nhà nước nhưng bất hợp lệ với Giáo Hội.
29. CHUYỆN VÔ HIỆU HÓA UBLLCG
Tại Hà Nội, linh mục Vũ Xuân Kỷ và mấy linh mục Kháng chiến đã đứng ra thành lập UBLLCG. Như đã nói trên: Đó là tổ chức hợp pháp với Nhà nước nhưng bất hợp lệ với Giáo Hội. Vì thế cũng chính từ Hà Nội, Nhà Đạo đã kiên quyết phản bác và làm vô hiệu hóa UBLLCG.
Đức Giám mục Trịnh Như Khuê đã thẳng thừng phạt treo chén linh mục Vũ Xuân Kỷ và linh mục Nguyễn Tất Tiên thuộc Địa phận Hà Nội dưới quyền ngài. Rồi cha Đinh Lưu Nhân ở Nam Định là cha chính Địa phận và cha Phạm Hân Quynh, quản lí Nhà chung Hà Nội tiếp tục cộng hưởng với Giám mục mình đã mạnh mẽ, can đảm, góp sức làm hạn chế hoạt động của UBLLCG.
Cha Nhân đã soạn thảo ra một bản Thông Cáo in rônêô, lí lẽ rất vững chắc, rõ ràng để phản bác và lên án UBLLCG, một tổ chức lấy danh nghĩa Công giáo mà không được Đấng bản quyền Công giáo cho phép. Tổ chức đó chỉ mưu đồ chia rẽ nội bộ Công giáo, quậy phá Đạo theo kiểu gậy ông đập lưng ông mà thôi. Bản Thông Cáo của cha Nhân đã được phát tán kịp thời khắp vùng Nam Định, Hà Nội và lan ra cả ngoài Địa phận Hà Nội như Thái Bình, Bùi Chu, Hải Phòng.
Cha Quynh còn hăng hái hơn nữa, ngài đã cho in hai vạn lá thư kêu gọi giáo dân phải cảnh giác và tẩy chay cái gọi là UBLLCG vì nó gây chia rẽ, nhằm phá sự hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo. Cha Quynh đã tận tay phát thư đó suốt từ Lạng Sơn đến Thanh Hóa, Nghệ An, nghĩa là suốt chiều dài miền Bắc. Cứ đến Địa phận nào, cha cũng nhờ thanh niên Công giáo dùng xe đạp phân phát ngay đến các giáo xứ, giáo họ trong Địa phận. Cũng cần kể thêm câu chuyện xuất xứ lá thư có liên quan đến Đức cha Hoàng Văn Đoàn:
Chuyện là, Địa phận Bắc Ninh, láng giềng với Hà Nội, có Đức cha Hoàng Văn Đoàn không di cư đi Nam mà ở lại với Địa phận như Đức cha Khuê. Ngài có ngoại hình to cao như Tây, lại có thêm bộ râu quai nón rậm rạp. Chẳng hiểu sao, khi UBLLCG ra đời, ngài lại có bức thư “chào mừng” thật lạc điệu với tinh thần các Giám mục miền Bắc lúc bấy giờ. Bức thư ấy đã gây chối tai cho dân Chúa, nhất là hàng Giám mục, Đức khâm sứ Dooley và các linh mục như cha Nhân, cha Quynh. Cùng thời gian đó, Đức cha Đoàn có đi thăm mấy giáo xứ, ngài bị du kích địa phương bắt, đánh gãy chân vì nhầm tưởng là người Pháp.
Nhân tai nạn này, Đức Khâm sứ yêu cầu ngài qua Hồng Kông chữa trị. Giáo dân am hiểu tình huống đã có câu ca dao
“Đức cha Đoàn đi Hồng Kông
Chân chữa có khỏi, chẳng mong gì về.”
Đúng với phán đoán nhạy bén của câu ca dao, Đức cha Đoàn sau khi chữa khỏi chân, đã không trở về Bắc Ninh nữa. Tòa Thánh đã chỉ định ngài làm Giám mục Địa phận Quy Nhơn, miền Nam Việt Nam.
Cha Quynh đã đến Bắc Ninh thức với Đức cha Đoàn một đêm trước ngày ngài đi Hồng Kông. Hai cha con đã trao đổi kĩ càng về vấn đề UBLLCG. Đức cha Đoàn đã ngộ ra và nhờ cha Quynh viết một thư ngỏ trần tình với tất cả Dân Chúa. Trước sau, ngài không hề ủng hộ tổ chức đó.
Bức thư ngỏ trần tình của Đức cha Đoàn đương nhiên có cả phần bình luận của cha Quynh đã giáng một đòn quyết định vào UBLLCG. Vì thế, họ ló mặt đến đâu cũng bị giáo dân tẩy chay, xa lánh. Cuối cùng chỉ vơ bèo vạt tép được một số giáo gian chẳng ra gì, đa phần đã bỏ Đạo lâu ngày vì mắc ngăn trở nọ kia; hoặc một số vì khù khờ, dại dột, hám lợi nên mới tham gia.
Vì bức thư ngỏ trên, công an đã mời cha Quynh và cha Căn là cha chính xứ Nhà Thờ Lớn đến trụ sở Công an hỏi “việc công cần”. Cha Căn thì vô can vì chẳng biết chuyện gì. Còn cha Quynh nhận đã thực hiện lá thư đó theo ý nguyện Đức cha Đoàn nhờ.
Công an hỏi cha Quynh:
- Tại sao ông lại làm việc lôi thôi đó?
Cha Quynh trả lời:
- Đây chỉ là chuyện bất đồng trong nội bộ Công giáo.
- Dầu sao ông cũng nên rút kinh nghiệm. Bận sau đừng làm như thế nữa.
- Đồng ý. Bận sau Đức cha Đoàn có nhờ, tôi cũng không giúp nữa.
- Ông biết tiếp thu thế là tốt! Thôi mời hai ông về.
30. CHUYỆN DÂNG LỄ QUAY XUỐNG
Những chuyện đã chép trên cho thấy cha Quynh là một linh mục trẻ rất năng động, thông minh, cương trực và pha chút tinh ranh. Đó là những hoạt động bề nổi dễ thấy của cha. Ngoài ra, cha còn là một linh mục có nhiều thao thức trong lòng với Hội Thánh; có nhiều suy tư thần học sâu sắc và mới mẻ muốn được canh tân.
Chuyện dâng Thánh lễ quay xuống sau đây nói lên khát vọng nồng cháy muốn được canh tân của cha: Trong một dịp các cha Địa phận Hà Nội về tĩnh tâm tại Tòa Giám mục, đến lượt cha Quynh dâng Thánh lễ (các cha dâng lễ tại nhà nguyện được sắp xếp theo thứ tự A, B, C) cha đề nghị với Đức cha Khuê:
- Hôm nay xin Đức cha cho phép con làm thí nghiệm dâng Thánh lễ quay xuống.
- Để nói lên điều gì?
- Thưa, Thánh lễ có giáo dân tham dự là chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo. Họ phải được hiểu về Thánh lễ, cùng hiệp dâng, cùng phụng vụ Lời Chúa. Chủ tế dâng lễ quay xuống là một cách biểu lộ cụ thể sự hiệp nhất cùng một bàn tiệc, cùng tham dự lễ nghi Bẻ Bánh như thuở Giáo Hội ban đầu. Dâng lễ quay lên như hiện nay, lại đọc bằng tiếng Latinh làm cho giáo dân không hiểu gì nên hờ hững, chia trí, chẳng ơn ích là bao.
- Được, cha cứ làm thử xem sao? Nhưng nhớ chỉ là ở đây thôi. Chưa được phép phổ cập ra Nhà thờ đâu nhé!
Hôm ấy, cha Quynh dâng Thánh lễ quay xuống xong, có nhiều cha tấm tắc khen hay, ý nghĩa. Cũng có cha bình luận: Mới lạ quá, e có nhiều dị biệt. Một cha cũng xin phép Đức cha cho ngài được làm thử lễ quay xuống. Đến phần đọc câu: “Dominus vobiscum” (Chúa ở cùng anh chị em), đáng lẽ vì làm lễ quay xuống nên chỉ ngẩng mặt lên một chút và giơ tay đọc thì ngài lại theo phản xạ quen thuộc cũ, quay lại phía sau (quay 180 độ), giơ tay đọc câu đó. Thành thử miệng đọc Chúa ở cùng anh chị em mà chỉ nhìn thấy Chúa ở cùng bàn thờ, ở trong Nhà chầu mà thôi! Các cha dự lễ hôm ấy được một mẻ bịt miệng nín cười.
Mười năn sau, Công đồng Vatican II, trong văn kiện “Hiến chế về Phụng vụ Thánh” mới thay đổi lễ Misa được làm bằng tiếng bản xứ, giáo dân được tham dự phần phụng vụ Lời Chúa, linh mục được làm lễ quay xuống. Và mười năm sau nữa, Giáo Hội Việt Nam mới đồng loạt thực hiện sự canh tân này.
Như vậy là cha Quynh đã dâng Thánh lễ quay xuống tại Nhà nguyện Hà Nội trước Công đồng Vatican II mười năm và trước các Nhà thờ tại Việt Nam khoảng hai mươi năm. Vì thế có người gọi yêu cha Quynh là linh mục chuyên “cầm đèn chạy trước xe hỏa”.
31. NHÌN LẠI BA NĂM CHA QUYNH Ở HÀ NỘI
Năm 1988, cha Quynh được giải quản sau 28 năm bị quản chế. Đức cha Nguyễn Tùng Cương, Giám mục Hải Phòng vẫn cử cha Quynh ở lại xứ Xuân Hòa, Tiên Lãng (địa điểm quản chế cuối cùng) làm cha xứ. Tôi đã có dịp vào trò chuyện với cha một đêm cho bõ bao năm cha con xa cách. Quá nửa đêm, cha phải đi ngủ để lấy sức làm lễ sáng mai. Lúc đó tôi mới ngồi ghi chép lại cuộc trò chuyện dưới dạng bài phỏng vấn. Xin được rút ra phần cuối đoạn ghi chép đó:
Hỏi: - Thưa cha, năm 54- 55 tại Hà Nội, Nhà Đạo ta nói chung và cá nhân cha nói riêng, con nghĩ là đã kịp thời làm được mấy việc rất quan trọng là:
1) Vận động hàng giáo sĩ ở lại, bám đất, chấp nhận sống chung với cộng sản.
2) Hạn chế tác hại của CCRĐ đối với cuộc sống Đạo và Đời trong vùng nông thôn Công giáo.
3) Tổ chức những buổi giáo lí mở rộng kịp thời để giới trẻ có chút vũ khí tự vệ trước làn sóng tấn công ào ạt vào đức Tin Công giáo.
4) Vô hiệu hóa UBLLCG.
Xin cha cho biết 4 thành tích trên có đúng và đủ chưa?
Đáp: - Ờ, có nhẽ 4 việc làm đó là chính đấy. Chính tôi cũng chưa bao giờ để ý đến việc đúc kết xem mình đã làm được những gì. Thường chỉ nghĩ mình đang làm gì và sẽ phải làm gì.
Hỏi: - Cha có thể cho con biết thêm một vài chi tiết cụ thể về 3 năm cha làm linh mục Hà Nội nữa không?
Đáp:- Việc vận động giáo sĩ ở lại, tôi đã có lần nói với chú sơ qua rồi. Đó là lệnh của Đức cha Khuê. Có điều tôi đã triệt để thi hành nên các cha muốn di cư cho tôi là đầu nêu, là chủ mưu và đã xúm vào tấn công tôi quá thể. Tôi không dám ở Nhà chung, phải lánh mặt sang ở nhà in Têrêsa với cha Mai. Có một lần, trong cuộc đấu khẩu căng thẳng, bị các cha di cư xúm lại đả kích tôi tới tấp, có cha Phước muốn bênh tôi, muốn làm đồng minh với tôi, nhưng tôi cũng không cần sự đồng minh đó. Vì rằng cha Phước là linh mục Hải Phòng, cha ở xứ Đông Triều, thuộc vùng kháng chiến, nên nhãn quan chính trị của cha Phước cũng tương tự như cha Kỷ, cha Tiên ở Hà Nội. Không hiểu sao lúc ấy cha Phước lại có mặt ở đây. Các cha di cư đã sừng sộ với tôi:
- Giáo dân đi, chúng tôi cũng phải đi. Tại sao ông lại cố tình cản chúng tôi?
Cha Phước lúc ấy đã chêm vào:
- Là kẻ chăn chiên, chưa chi đã tưởng là có sói, rồi bỏ đàn chiên mà chạy. Như thế chẳng phải là hèn sao?
Các cha di cư bảo cha Phước:
- Ông là linh mục cộng sản, chúng tôi không thèm nói chuyện với ông.
Còn tôi nói với cha Phước:
- Bỏ đàn chiên mà chạy là điều không nên. Song cũng chưa tác hại bằng ở lại với chiên, thấy sói lại đem nộp đàn chiên cho sói.
Vừa khi cha Mai ở đâu đến đã kịp giải cứu tôi, khoác vai tôi đi.
Tôi ở nhà in Têrêsa với cha Mai nên cũng còn làm được một việc cần thiết nữa. Đó là tranh thủ in ấn một số sách báo mà sau này có muốn cũng không làm được.
Hỏi:- Xin cha nói rõ thêm một chút về nhà in Têrêsa?
Đáp:- Nhà in Têrêsa mặt trước trông ra Hồ Hoàn Kiếm, mặt sau có cổng ở phố Nhà Chung và có cửa hàng Sách Báo Công Giáo. Trước kia là trụ sở báo Avenir du Tonkin, Nhà chung Hà Nội đã mua lại, giao cho cha Giuse Trần Văn Mai làm giám đốc. Nhà in được trang bị những máy in tối tân nhất thời bấy giờ.
Hỏi:- Hồi đó cha đã in được những sách báo gi?
Đáp:- Tôi thấy trong kho còn bao nhiêu giấy tốt đều lấy ra cho in hết. In Sách Kinh, Sách Bổn, Sách Tóm Bốn Phúc Âm. Rồi những loại sách mỏng nhỏ như: Giáo dân Dâng lễ, Cộng đồng Phụng ca, những loại này tôi cho in với số lượng rất lớn, hàng chục vạn bản.
Hỏi: - Cha Mai không có ý kiến gì sao?
Đáp:- Cha Mai thấy tôi in quá nhiều cũng hơi e ngại. Ngài sợ khi Đức cha có kế hoạch in gì thì không còn giấy.
Tôi bảo cha Mai không lo. Đang lúc còn dở giăng dở đèn phải làm mau kẻo không kịp. Và đúng thế, theo chính sách của chế độ mới thì không thể có nhà in tư nhân. Nhà in của tôn giáo lại càng không thể có. Vì thế, nhà in Têrêsa đã phải bán cho Nhà nước với giá 60.000đ nhưng không được lấy tiền mặt mà bắt đặt tài khoản ở ngân hàng. Chỉ có cha Mai được đến rút tiền ra chi tiền ăn cho Nhà chung.
Hỏi: Thưa cha, con nghĩ việc in ấn sách này cũng là một việc làm quan trọng và kịp thời lúc ấy. Coi như việc quan trọng thứ 5, có đúng không ạ?
Đáp: (Cha cười) – Tùy chú. Thôi tôi đi ngủ đây.
- Vâng. Con cám ơn cha. Chúc cha ngủ ngon.
còn tiếp.........
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét