Văn hóa

Thời đại văn minh người ta nói nhiều đến văn hoá. Văn hoá trong nhà, văn hoá ngoài đường, văn hoá ở trường, văn hoá trong xã giao, văn hoá trong làm ăn, văn hóa trong ăn uống….Người ta chú ý và thích nói tới văn hoá vì nó là thước đo trình độ, phẩm giá và cốt cách con người.
 
 
 
Càng ngày chúng ta thấy văn hoá càng tràn ngập. Cái mà chúng ta gọi là văn hoá nước ngoài đang trở thành trào lưu khủng khiếp. Rất thường, người ta quan niệm văn hoá là cái gì mới lạ, hấp dẫn chưa ai biết, chưa ai dùng tới mà mình là người du nhập, nhập cuộc đầu tiên. Thế mới có những hiện tượng lạ đời, nhiều khi quái gở nữa ! Do sự nhận thức mong manh, hời hợt khi phải đối diện với thời đại làm ta loá mắt, nhiều khi chỉ biết chộp giật bừa bãi. Như thế dẫn đến chỗ xử dụng quần áo, trang phục, xe cộ, sách báo, băng đĩa, phim ảnh và cả vũ khí là chuyện đương nhiên. Người ta nghĩ rằng đấy là yếu tố làm nên con người có văn hoá trong thời đại mới. Nhưng rất thường là thiểu số tự ý bắt chước. Đa số những phương tiện này đều bị ngăn chặn, cấm đoán và người ta tự ý bắt chước. Chúng ta đừng lầm lẫn với văn hoá thời xa xưa của các cụ nhà ta: nhuộm răng đen, mặc quần áo nâu là hình thức phổ biến rộng rãi mà đâu có ai cấm đoán, khiển trách.
 
 
 
 
Nguy cơ xuống dốc của vấn đề văn hoá hôm nay đang xảy ra ngay trong môi trường có rất nhiều loại văn hoá. Nhiều khi ta chẳng phân biệt nổi tốt xấu, hay dở. Ta cứ bắt chước nhau và thử một lần xem sao. Ta chỉ biết thụ động mà không chịu khó phân tích. Nhất là nơi thanh thiếu niên còn non nớt về trình độ nhận thức; họ chưa biết phân biệt hay dở mà chỉ biết bắt chước, “photocopy”.
  
Con người văn hóa là con người biết trân trọng mọi giá trị đã tồn tại bao đời và mình biết sử dụng nó, biết nhìn nhận nó. Ai gạt bỏ đi những giá trị đáng trân trọng của người khác, của cuộc sống là người thiếu văn hoá, là người kiêu căng, là người tự đào thải mình. Vì văn hoá luôn có tính khách quan và sống động  trong thời gian, cuộc sống.
 
 
Nếu đã là cái gì mang tính lịch sử, văn hoá thì dù ta có chôn vùi nó, hay nó bị chôn vùi, bị mất mát thì người ta vẫn cứ cố gắng đào xới, tìm kiếm và trả lại giá trị nguyên thuỷ cho nó. Tương tự như những cuộc khai quật đồ cổ rồi được lau chùi sạch sẽ, cất giữ cẩn thận ở viện bảo tàng chẳng hạn. Văn hoá là thế.
 
 
 
 
Khi một giá trị được bảo vệ lâu dài và tự thân nó có sự hấp dẫn khách quan thì người ta sẽ nâng niu và trả giá rất đắt cho nó. Con người văn hoá cũng mang cái nét như vậy. Và đặc biệt là ta không thể mua được con người văn hoá tính bằng tiền bạc hay giá trị vật chất mà ta chỉ biết bắt chước phần nào thôi. Cái sống động của con người có văn hoá khác với cái sống động của vật vô tri vô giác được coi là một giá trị văn hoá hay lịch sử. Ta thấy rõ như vậy vì sự ảnh hưởng của nó khác nhau. Ta theo đuổi một giá trị văn hoá chỉ là lý tưởng thì không hấp dẫn bằng gặp gỡ một con người có văn hoá. Ta trưng bày một hiện vật có giá trị văn hoá lịch sử trong nhà mình thì không bằng một giá trị văn hoá đã biến thành máu thịt trong ta. Nên một người sưu tầm đồ cổ thì phải biết giá trị của nó, biết nói chuyện về nó, biết so sánh đánh giá nó. Không ai chơi đồ cổ mà lại chẳng hiểu gì cả thì thật là phí tiền của. Đây cũng là một hiện tượng tiêu biểu của một số người được gọi là đi “chộp giật”văn hoá xứ người để giương oai mà chẳng hiểu gì cả mặc dù có khi phải đầu tư cả đống tiền của vào đấy. Sự lầm lẫn vì chạy theo thời đại trong hiện tượng văn hoá ấy hôm nay đã đi vào đủ mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, tôn giáo, giáo dục, thời trang, điện ảnh, thông tin, báo chí, âm nhạc….Có khi là “rác”của xứ người lại được lấy làm “đồ bổ”cho xứ ta. Vì thế, ta mới công khai, hãnh diện dùng đồ gọi là “sida”, “second hand”! 
 
 
 
 
Ôi lãnh vực văn hoá thật rắc rối, phức tạp. Nào ai dám ra luật cố định cho lãnh vực này. Như cái áo mặc xong rồi bỏ. Có cái bỏ đi rồi phải huỷ luôn. Có cái bỏ đi rồi vẫn còn giá trị và không thông thể mua được. Nhưng cũng chỉ là cái áo ấy, cái đôi giầy ấy thôi nó giá trị bởi người mang nó là nhật vật có tiếng. Thật là rắc rối. Thật là khó quy định. Cha ông ta chắc đã phải mất công bàn cãi nhiều lắm mà có giải quyết được đâu, mà có ra được luật đâu. Phải chăng phải để cho văn hoá tự quy định cho mình, tự mình tồn tại? Phải chăng những luật để bảo vệ giá trị văn hoá, tinh thần không phải là luật để giữ lấy yếu tố văn hoá vì cái gì mất thì nó cứ mất, cái gì còn thì nó vẫn còn, như cái áo liên hệ với người mặc ở trên vậy.
 
 
 
Sống ở đâu cũng cần phải có văn hoá. Thời nào cũng đề cao văn hoá. Thiếu văn hoá thì khổ lắm. Có văn hoá mà lại không sống như cái mình có thì cũng bị chê trách. Vì thế, sự tiếp cận của con người với xã hội, với thế giới xung quanh ở bất cứ lãnh vực nào là điều rất cần thiết để nhận lấy tinh hoa của yếu tố văn hoá; để xây dựng cho bộ mặt xã hội và môi trường ấy những cơ sở mai sau – cơ sở của sự tồn tại, cơ sở của sự phát triển, cơ sở của một truyền thống tốt đẹp….Văn hoá luôn gắn bó với con người và con người luôn gắn bó với văn hoá.

 
 
Lạy Chúa, con người luôn khát khao chân, thiện, mỹ.

 
Nỗi khát khao chính đáng ấy đẹp lòng Chúa lắm.

 
Xin đừng để chúng con ngừng khát khao điều ấy.

 
Xin đừng để chúng con làm ô nhiễm cuộc sống bằng cách sống thiếu văn hoá.

 
Xin đừng để chúng con tiếp nhận hay tạo ra những thứ văn hoá giả tạo, văn hoá nguy hiểm đầu độc và giết chết tha nhân, đặc biệt những tâm hồn non trẻ.

 
Xin cho chúng con luôn biết giữ gìn và phát huy những cái hay cái đẹp do cha ông để lại với mục đích là để làm vinh danh Chúa. Amen.
 
 
 
 
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét