Giới Thiệu sách: CHA QUYNH - Con Người - Sự Kiện - Giai Thoại


Nhân ngày mừng ngọc khánh Linh Mục 60 năm của Đức ông Laurenso Phạm Hân Quynh, tác giả Giuse Nguyễn Khác Đạt đã cho ra mắt cuốn sách "CHA QUYNH - Con Người - Sự Kiện - Giai Thoại. Cuốn sách phản ánh phần nào về cuộc đời của Cha Quynh gắn liền với Giáo Hội Việt Nam nhất là miền Bắc, có nhiều chuyện mà nếu không đọc cuốn sách này thì bạn không thể nào hình dung ra được một con người đã sống, làm việc, hi sinh vì tình yêu mến Chúa yêu mến Giáo Hội mà phải gánh chịu nhiều đau thương. Qua cuốn sách bạn cũng hiểu thêm về quá trình Giáo Hội nhất là miền Bắc Việt Nam đã trải qua thăng trầm thế nào: Xin đọc cuốn sách này và  giới thiệu cho mọi người cùng đọc. (hãy lưu lại trên máy tính của bạn khi chưa đọc xong, vì trang mạng có thể bị lỗi kĩ thuật)

Lời người chép chuyện
Tôi biết và ái mộ cha Quynh từ đầu năm 1955 tại Hà Nội. Lúc đó tôi là sinh viên năm đầu và khóa đầu của trường đại học Văn khoa. Tôi thường đến Nhà Thờ Lớn Hà Nội để nghe buổi giảng giáo lý cho giới trẻ. Có ba cha luân phiên giảng dạy là cha Thông, cha Oánh và cha Quynh. Cha nào giảng cũng giỏi, cũng hay và rất hấp dẫn vì vấn đề mới mẻ, cập nhật. Cha Quynh vóc dáng nhỏ hơn hai cha kia nhưng lại có tính cách dí dỏm, hóm hỉnh, trẻ trung hơn, nên tôi yêu mến cha nhiều hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là tình yêu đơn phương vì cha chưa hề biết tôi.
Đến năm 1956, tôi bị đuổi học. Về Hải Phòng được ít lâu, tôi rất vui mừng gặp lại cha ở đây khi ngài theo Đức Giám mục Phêrô Khuất Văn Tạo về phục vụ tại Giáo phận. Giới trẻ chúng tôi gặp cha như cá gặp nước. Riêng tôi với cha không còn là tình yêu đơn phương nữa. Chúng tôi ra vào phòng cha tự do. Ngoài thời gian cha làm mục vụ, chúng tôi cuốn đến bên cha, hỏi chuyện cha đủ thứ. Những chuyện cha kể, chuyện gì cũng hấp dẫn và rất ấn tượng. Trước mắt tôi, cha như một nhân vật huyền thoại. Và tôi có ý định viết về cha từ hồi ấy.
Bấy giờ cha là một linh mục trẻ nhất Hải Phòng, mới tròn 30 tuổi. Giới trẻ Hải Phòng chúng tôi sống quấn quýt bên cha. Có những ngày êm đềm lễ hội, cũng có những ngày biển động bão dông, cha con cùng sát cánh bên nhau với bao kỉ niệm thân mến khó quên.
Thế rồi ngày 8.10.1960, cha bị bắt đi một lèo 28 năm liền. Còn tôi một năm sau đó cũng bị bắt đi tù biệt xứ 17 năm không án. Những năm dài triền miên sống cảnh tù đầy, chúng tôi giống như những người lính giữa chiến trường, bởi vì ở đó có sự va chạm căng thẳng, quyết liệt giữa cái sống và cái chết, anh hùng và phản bội, dũng cảm và hèn nhát, tàn bạo và nhân ái…ở đó chất người hiện lên rõ nhất. Tuy nhiên, vì thời gian mịt mù nên con người rất dễ mắc các chứng bệnh thần kinh, loạn trí!
Với thời gian xa cách dài không gặp, cha con tôi hầu như không biết chút tin tức gì về nhau. Phần tôi, ra tù thì đã hết tuổi thanh xuân, hết mơ ước hão huyền, trước mắt phải lo vật lộn với cuộc sống nghiệt ngã để khỏi đói, khỏi rách và để có một mái ấm gia đình. Mặc dầu vậy, đôi khi tôi vẫn tình cờ bắt gặp đây đó những mẩu chuyện kể về cha. Những người giáo dân kể về cha đã đành, đằng này cả người ngoài Đạo nữa. Nói chung, đủ mọi tầng lớp: người bình dân, người trí thức, cán bộ quan chức, nhà doanh nghiệp và cả công an…Hình như đã là người Hải Phòng thì phải biết vài mẩu chuyện về cha Quynh. Thậm chí trong cuốn tiểu thuyết CON CHIÊN LẠC BÀY tác giả đã dựng hẳn một chương nói về cha, dù chưa gặp cha lần nào.
Thế là tôi lại có ý định viết về cha. Giờ thì không phải là mơ ước hão huyền. Đấy là tâm huyết đời tôi. Tôi nghĩ không khó lắm, chỉ cần chắt lọc vài trăm chuyện để lấy vài chục chuyện đặc sắc, với tựa đề CHUYỆN CHA QUYNH, đại loại như CHUYỆN TRẠNG QUỲNH vậy. Đương nhiên những mẩu chuyện đó cha kiểm chứng lại.
Đó là dự định ban đầu là như thế, nhưng Càng về sau, tôi nghĩ càng không ổn. Cha Quynh là một cây đại thụ của Giáo Hội Miền Bắc Việt Nam. Cha trí tuệ uyên bác, tư tưởng luôn đi trước thời đại, song lại rất khiêm nhường. Cha là một chân tu mẫu mực, luôn sống giản dị, thực sự là linh mục của người nghèo, coi người nghèo là ruột thịt, là tài sản của Giáo Hội như thánh Laurenxô quan thầy người. Cha Quynh còn nhiều phẩm chất ưu việt khác nữa như,sống triệt để tinh thần Phúc Âm, noi gương thầy Giêsu từ lời nói đến việc làm, tha thiết yêu quê hương đất nước, sống kiên cường không ngại hy sinh gian khổ…
Vì thế, khắc họa được chân dung cha Quynh lên trang sách không chỉ đơn giản là ghi chép vài chục câu chuyện tầm phào, hoặc viết theo lối biên niên sử khô khan. Tôi cảm thấy thực sự khó khăn đuối sức. Vả lại, cuộc sống tôi còn chật vật để lo kiếm miếng ăn hàng ngày. Đạp xích lô từ sáng đến tối mới về. Có đêm chong đèn giở giấy bút ra ghi chép về cha, song cứ ỳ ạch hoài. Bê con chữ lên giấy thấy khó khăn nặng nề hơn bê bao đường, bao xi măng 50kg lên xe xích lô!
Dầu sao cái khó nhất vẫn là chưa được sự đồng thuận của cha. Có lần tôi đã ướm ý cha xin được viết sách, được cha giúp đỡ, cung cấp những tư liệu về đời sống và hoạt động của cha, nhưng cha từ chối. Cha bảo bây giờ còn nhiều việc cần phải làm hơn. Và ngài cũng tỏ vẻ không tin tưởng ở khả năng của tôi. Ngài chê kiến thức tôi còn nhiều điều chống hổng. Tôi vẫn “cố đấm ăn xôi” thưa: “Con cũng biết là chống hổng nhưng nếu được cha chỉ bảo dạy dỗ thì cũng bớt sự chống hổng dần dần trong đầu”. Tôi cố thuyết phục cha: “Cha đã già yếu rồi, chẳng biết Chúa gọi về lúc nào. Sau này con biết hỏi ai mà viết, mà xác minh kiểm chứng tư liệu.”
- Ồ thiếu gì người biết. Có những vấn đề lịch sử đã qua đi hàng trăm năm, người ta vẫn lần mò ra được cơ mà.
- Vâng! Có thể là như thế, nhưng phải vất vả, tốn nhiều công sức. Và vẫn phải dựa vào chứng tích chống hổng của người đương thời như con mà lần mò.
Sau bữa gặp ấy, tôi như bị gáo nước lạnh giội vào bầu nhiệt huyết viết sách. Hàng chục năm lại lặng lẽ qua đi. Thời kì này, ở nhà thờ Chính tòa, cha xứ Antôn Hiệu có sáng kiến độc đáo là thành lập NHÓM CỘNG SỰ. Nhóm có khoảng hai chục người, phần lớn là trí thức trẻ. Tôi thăm dò được vài bạn trong nhóm có cùng chí hướng như tôi. Thế là tôi lại hâm nóng chí viết sách. Bắt tay với mấy bạn này cùng hợp tác, đánh du kích vậy.
Cha Quynh ở mãi Tiên Lãng nhưng rất để tâm đến NHÓM CỘNG SỰ Hải Phòng. Mỗi tháng cha về nhà thờ Chính tòa thường huấn cho hàng linh mục Giáo phận 2 ngày. Nhân thể, cha đến với NHÓM CỘNG SỰ nửa ngày. Nửa ngày đó cha chỉ ngồi để trả lời các câu hỏi của chúng tôi đưa ra. Gồm đủ mọi chủ đề: giáo lý, giáo luật, giáo sử, Kinh Thánh, tình hình Giáo Hội… Đôi khi, trong lúc giải đáp, cha có những mẩu chuyện liên hệ đến bản thân cha. Tôi chỉ đợi có vậy mà chộp lấy. Còn mấy người đồng chí tôi có nhiệm vụ phải moi thêm, càng nhiều càng tốt. Tuy thế, việc đánh du kích này cũng chẳng thắng lợi là bao, chậm chạp lắm!
Năm 2008, có anh Vũ Sinh Hiên ở Sàigòn ra Tiên Lãng thăm cha. Anh là một trí thức Công giáo thứ thiệt, đã tốt nghiệp cao học Viện Đại học Công giáo Đà Lạt. Có lẽ anh Hiên cũng định viết về cha. Cha đã giới thiệu chúng tôi làm quen với nhau. Câu chuyện chúng tôi xoay quanh về cuộc đời cha Quynh, đặc biệt là những năm tháng cha ở Hải Phòng. Qua cuộc trò chuyện chúng tôi nhận thấy mình không chỉ biết mà còn là người đồng hành, người trong cuộc cùng cha ở một số thời điểm nữa. Trước khi trở lại miền Nam, anh Hiên đã khuyến khích chúng tôi viết về cha.
Gần đây, khi đọc bài của anh Hiên trên mạng, tôi mới biết anh được phân công viết một mảng trong bộ Lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Đó là mảng lịch sử Giáo Hội Công Giáo miền Bắc thời kỳ đất nước bị chia cắt (1954-1975). Vì thế anh không chỉ đến Hải Phòng mà đã đến khắp 10 Giáo phận miền Bắc để khai thác tư liệu lịch sử. Trong đó cha Quynh- Hải Phòng là điểm nhấn của anh. Vì cha không những là nhân chứng lịch sử, tham gia vào lịch sử, mà còn làm nên lịch sử ở một số thời điểm nhất định. Tôi thầm cám ơn anh Hiên về nguồn gợi hứng quý giá anh đã dành cho tôi.
Đầu năm nay (2011), cha Giuse Nguyễn Văn Thông, chính xứ nhà thờ Chính tòa Hải Phòng, một hôm ngài có hỏi tôi: “Nghe nói, ông từ lâu có ý định viết về cha Quynh, ông viết được đến đâu rồi? Làm sao để sang năm là lễ Ngọc Khánh của cha, quyển sách của ông có thể ra mắt được thì tốt.”
Tôi ngỡ ngàng thưa với cha:
- Con mới ghi chép tản mạn được một số chuyện về cha già, nguồn tư liệu còn thiếu nhiều. Con mong được cha cộng tác giúp đỡ.
- Thì ông hãy cho tôi xem những gì ông đã viết được, tôi mới biết tôi có thể cung cấp cho ông thêm chỗ nào chứ!
- Vâng con rất cám ơn cha. Bây giờ đang bước vào Tuần Thánh, cha con mình bận rộn quá. Đến lễ Phục Sinh con sẽ gửi cha đọc. Mới chỉ là một số ghi chép vụn vặt thôi.
Tôi biết cha Thông quê Tiên Lãng, là con của cha già. Hy vọng cha là nguồn tư liệu có thể giúp đỡ tôi. Tôi thực sự bối rối, bất ngờ và xúc động vì lần đầu tiên tôi có một áp lực thúc tôi viết sách. Mấy chục năm nay tôi chỉ túc tắc được chăng hay chớ một cách âm thầm. Nay cha Giuse còn cho tôi một thời hạn cụ thể là đến Phục Sinh sang năm phải có sách. Đúng rồi, cha Quynh chịu chức linh mục tại Paris lễ Phục Sinh 1952, đến Phục Sinh 2012 là tròn 60 năm.
Thế là tôi bắt tay phác thảo đề cương tập sách một cách nghiêm chỉnh và cụ thể đến từng chi tiết. Tôi chọn tựa đề sách:
CHA QUYNH con người - sự kiện & giai thoại
Vì nội dung tôi ghi chép được bao gồm con người là thân thế, tính cách, tư tưởng, và đời hoạt động không biết mệt mỏi của cha. Sự kiện là cuộc đời cha không chỉ là chuyện cá nhân mà còn gắn với sự kiện lịch sử của Dân Tộc và lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Còn giai thoại là những mẩu chuyện lí thú được lưu truyền rộng rãi, có cốt chuyện người thật việc thật nhưng qua truyền miệng có thể đã có sự thêm bớt. Mấy giai thoại tôi chép vào đây không đơn thuần chỉ là những mẩu chuyện tầm phào, nhưng có giá trị khắc họa thêm cốt cách con người của cha. Một số chân dung nhân vật cũng có giá trị tương tự như vậy.
Đối với tôi, thời gian mười tháng để hoàn thành tập sách về cả cuộc đời một nhân vật như cha Quynh là một điều khó khăn. Bởi vì tôi không phải là người viết chuyên nghiệp. Câu chuyện về cha trong tay tôi còn đứt đoạn nhiều cần phải có thời gian sưu tầm bổ sung thêm để ráp nối cho liền mạch và theo trình tự thời gian. Tôi cũng cần phải tìm đọc một số sách báo tham khảo nữa, nhất là những tác phẩm thần học tâm đắc của cha. Viết về cha Quynh mà bỏ qua mảng này tôi nghĩ là một thiếu sót lớn. Song đây lại là lãnh vực tôi non yếu, nói chính xác là mù tịt. Hy vọng sau này có những bậc trí tuệ Công giáo sẽ khai mở bổ sung phần tôi còn thiếu sót.
Như vậy nội lực tôi chẳng đáng kể gì. Chỉ vì yêu mến cha già và yêu mến Giáo Hội mà tôi gồng mình lên cố viết. Mỗi khi tôi ngồi vào bàn vi tính gõ từng con chữ, tôi không quên cậy nhờ Thần Trí Chúa trợ giúp thần trí tôi. Hầu viết ra trong sự thật, đẹp ý Chúa và có chút ích lợi cho người đọc.
Cuối cùng xin được bày tỏ lòng biết ơn đến các cha và những ai đã cung cấp dữ liệu cùng khích lệ tôi viết. Đặc biệt cám ơn mấy thân hữu trong NHÓM CỘNG SỰ, anh Phêrô Chinh, hai bạn trẻ Visentê Viễn và Maria Chuyên. Cũng xin được cám ơn các tác giả có sách, bài viết trên mạng mà tôi đã tham khảo, trích dẫn song chưa có hân hạnh được quen biết.
Xin Thiên Chúa thưởng công cho những người có thiện chí, có lòng yêu mến Chúa và yêu mến Hội Thánh của Ngài.
Hải Phòng, lễ Phục Sinh 2011

CHƯƠNG MỘT
THỜI THƠ ẤU
TẠI QUÊ HƯƠNG VÀ
GIA ĐÌNH
Cha Laurenxô Phạm Hân Quynh sinh ngày 30. 8. 1926
Tại xã Trì Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
Thuộc giáo xứ Trì Chính, Giáo phận Phát Diệm
Thân phụ là cụ cố Giuse Phạm Văn Xứng
- Tạ thế năm 1952
Thân mẫu là cụ cố Rôsa Đỗ Thị Tiếc
- Tạ thế năm 1985
Cha là con cả trong một gia đình có 4 anh chị em
Ba người em kế tiếp của cha Quynh là:
Rôsa Phạm Thị Tố Quyên,
Laurenxô Phạm Mạnh Quang,
và Laurenxô Phạm Tự Quán,
Cả ba người em của cha đã qua đời.
1. GIÁO XỨ TRÌ CHÍNH
Giáo xứ Trì Chính – mảnh đất quê hương của cha nằm bên bờ sông Vạc, ngay gần cửa ngõ nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, một quần thể kiến trúc tôn giáo độc đáo và nổi tiếng toàn quốc. Người Công Giáo Việt Nam không mấy ai là chưa một lần hành hương đến nhà thờ Phát Diệm. Song giáo xứ Trì Chính chỉ cách đó chừng 1000 mét thì lại ít người biết đến. Điều này cũng đúng thôi, vì như tôi, nếu không bởi Trì Chính là quê hương của cha Quynh thì tôi cũng chẳng tìm đến mảnh đất này làm gì.
Tôi đến giáo xứ Trì Chính ngày 23/4/2008, vào dịp đại lễ KHAI MẠC NĂM THÁNH kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ (1908-2008). Do đó, tôi đã dễ dàng ghi chép được chút tư liệu về giáo xứ quê hương của cha. Nhà thờ Trì Chính được xây dựng năm 1890, đặt hướng nhìn ra dòng sông Vạc. Năm 1908, Đức cha Alexandre Marcou (Thành) nâng cấp Trì Chính lên hàng giáo xứ.
Trì Chính là mảnh đất quê hương của nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ. Đặc biệt, Đức cha Gioan Baotixita Phan Đình Phùng, Giám mục tiên khởi người Phát Diệm cũng sinh trưởng tại giáo họ Kiến Thái thuộc giáo xứ Trì Chính.
Nơi đây cũng là mảnh đất có nhiều cơ sở tu trì, đào tạo, in ấn, nghỉ mát của giáo phận Phát Diệm. Nhà in Lê Bảo Tịnh, trụ sở Nguyệt san Đường Sống, dòng kín Carmel, là những nơi cậu bé Quynh có những kỉ niệm sâu sắc, dấu chỉ ơn gọi tận hiến sau này.
Trì Chính, mảnh đất giàu truyền thống đạo đức và văn hóa ấy, đã sớm hun đúc nên bản sắc cậu bé Quynh ngay từ thuở còn thơ ấu. Để rồi cậu cất cánh vào đời không biết mệt mỏi.
2. GIA ĐÌNH VÀ VÀI KỈ NIỆM KHÓ QUÊN
Lí do bố không đi lễ ở nhà xứ mình
Hồi cậu bé Quynh mới bảy tám tuổi, mỗi khi đi lễ về, bố lại hỏi cậu: Hôm nay lễ gì? Cha đọc bài Evan nào? Và giảng ra làm sao? Tuy bố không đi lễ song vẫn dõi theo để nắm kĩ ý từng buổi lễ. Nhiệm vụ của cậu là phải tường thuật lại nội dung lễ cho bố một cách rành rọt.
Lí do bố cậu không đi lễ ở nhà xứ mình là vì một chuyện sau đây: Hồi ấy cha xứ Trì Chính người Tây tên là SuBay (Soubeyre) có xây một ngôi nhà ở đồ sộ to cao hơn nhà thờ. Bố cậu tỏ ý khó chịu mới lấy mẩu ngói non viết lên tường mới nhà cha:
Trì Chính có sự lạ thay!
Nhà Chúa thì bé
Nhà cha Su Bay…ngất trời. (?!)
Cha xứ rất tức và đoán biết chỉ có ông Xứng viết chứ chẳng còn ai khác. Nhưng gọi ông này vào nhà xứ để răn đe thì chắc ông ta không vào, mà ra nhà ông ấy thì mình bị yếu thế. Cuối cùng cha xứ đã dùng bục giảng nhà thờ trong Thánh lễ để phản kích, nhân tiện còn dạy bảo các con chiên khác không được bắt chước hỗn láo, châm chọc, xúc phạm đến các đấng chủ chăn.
Và cũng từ ấy, bố cậu Quynh không đi lễ ở Trì Chính, các Chúa nhật và ngày lễ trọng, ông đều sang nhà thờ Chính tòa Phát Diệm dự.
***
Lời hứa với mẹ không để say rượu
Nhóm cộng sự chúng tôi thỉnh thoảng có dịp được chè chén với cha già một bữa. Bia rượu, cha không từ chối, nhưng chỉ uống hết một lần rót rồi thôi. Cha có lệ là không uống cốc thứ hai. Chúng tôi đã gặng hỏi cha, được cha giải thích lệ này có từ khi lên bảy tuổi để thực hiện lời hứa với mẹ.
Chuyện là hôm đó nhà cậu Quynh có giỗ. Mấy ông chú, ông bác của cậu Quynh ngồi lại chè chén đến khuya mới về. Vì anh em vui vẻ nên quá chén, đường về lại gập ghềnh không trăng không sao, các tướng đã bị ngã lộn nhào xuống ruộng bùn cả. May có mấy người làng thấy được, liền dìu trở lại nhà cậu để tắm rửa, thay đồ. Mẹ cậu Quynh thấy vậy xấu hổ với làng xóm quá, đã tâm sự với cậu:
- Con thấy chưa? Làm người mà chè chén say sưa đến độ này thì thật là…chẳng còn ra thể thống gì nữa. Con hãy nhớ tránh gương xấu ấy. Mẹ khuyên con lớn lên đừng bao giờ uống rượu.
Cậu Quynh đáp lời mẹ:
- Thưa mẹ, con nghĩ đôi khi vì phép lịch sự, vì muốn chan hòa tình cảm với người xung quanh, mình từ chối uống rượu là không nên, song con hứa với mẹ: con chỉ uống một chén thôi, không bao giờ được phép để mình say.
- Được! Con nhớ giữ lời hứa đó nhá.
Lời hứa với mẹ từ năm lên bảy tuổi, đến nay cha đã 85 tuổi, ngài vẫn giữ lời.
3. BUỔI ĐẦU GIÚP LỄ
Có lần cha Quynh nói chuyện với chúng tôi về việc xây dựng đội ngũ giúp lễ. Ngoài việc giúp lễ ra còn phải quan tâm đến việc học hành của các chú ra sao. Nhân đấy tôi quay sang moi chuyện cha:
- Bữa trước bố nói năm 18 tuổi bố mới đi tu. Nhưng nghe chuyện bố cũng giúp lễ từ khi còn bé?
- Phải. Tôi giúp lễ từ năm lên 9 tuổi. Nhưng giúp lễ thì chưa phải là đi tu. Bây giờ cũng thế thôi. Ở quê tôi có một nhà dòng kín và có một ông cha người Bỉ đến dâng lễ tại đó. Tôi rất thích đến nhà dòng này dự lễ vì cảm thấy ở đây có một cái gì êm ái thánh thiêng hơn nơi nhà thờ xứ mình.
Một hôm, đến giờ lễ, đèn đã bật sáng hết, vẫn chưa thấy cha ra. Sau đó thấy một chị nữ tu đi từ trên xuống, đến chỗ tôi thì dừng lại và hỏi: “Em có biết giúp lễ không?” Tôi đáp: “Em chưa giúp lễ bao giờ. Nhưng chắc rằng em sẽ giúp được”. Chị nữ tu dẫn tôi vào buồng áo, đưa cho tôi một tờ bìa có in các câu Latinh mà người giúp phải đọc đối đáp với chủ tế. Tôi liếc qua, chẳng thấy khó khăn gì. Không những tôi đọc được dễ dàng mà còn hiểu được nghĩa nữa. (Vì chữ Latinh đọc như chữ quốc ngữ, còn nghĩa thì tương tự như chữ Pháp, mà tôi đã thông thạo tiếng Pháp).
Thế là buổi đầu tiên tôi được giúp lễ coi như êm xuôi tốt lành. Hôm đó vì cậu giúp lễ bị ốm đột xuất nên phải kiếm tôi thay. Nhưng từ đấy tôi được mời bổ sung chính thức vào thành cặp đôi với cậu kia. Tôi được ông cha người Bỉ và các nữ tu nhà dòng đều tỏ ý yêu mến.
4. SUẤT HỌC BỔNG ĐẶC BIỆT
Nhân cha con đang vui chuyện, tôi tiếp tục gợi hỏi thêm:
- Lúc ấy ở gia đình, bố vẫn còn đang đi học ạ?
- Không. Khi ấy tôi chẳng học hành gì cả. Các trường tiểu học ở làng, xã tôi đã học hết lớp cả rồi. Bây giờ muốn học nữa thì phải lên tỉnh, mà gia đình tôi thì đang lâm vào cảnh nghèo túng. (Trước kia, gia đình tôi vẫn thuộc loại khá trong làng, song lúc ấy đang gặp cảnh sa sút).
- Chắc là ông cha Bỉ yêu mến bố, sẽ trợ giúp bố việc
học hành?
- Chính thế. Nhờ ông cha Bỉ mà tôi đã được một xuất học bổng đặc biệt rất bất ngờ. Câu chuyện là thế này:
Một hôm có một cụ già mặc áo dài trắng, lễ xong cụ đón cha ở cửa buồng áo. Thấy tôi, cụ hỏi: “Cha có nghe được tiếng Ta không?” Tôi lắc đầu, rồi bảo cụ: “Nếu cụ có điều gì muốn thưa với cha thì cụ cứ nói bằng tiếng Việt đi rồi cháu sẽ nói lại bằng tiếng Pháp cho cha nghe. Cụ ấy liền nói là cụ có một số tiền khá lớn, muốn cúng cho cha để cha sử dụng việc gì thánh thiêng, bác ái tuỳ cha.
Vừa lúc đó, cha trong buồng áo ra, tôi đã dịch thuật lại sự thể cho cha nghe. Cha mỉm cười, bảo tôi nói lại với cụ ấy đại ý: “Thằng bé này nhà nó nghèo lắm. Nếu cụ bằng lòng thì cha sẽ dùng số tiền này để nuôi nó ăn học”. Nghe tôi nói lại, cụ liền gật đầu tỏ ý vui vẻ.
Riêng tôi thì vừa ngường ngượng, vừa sung sướng, bất ngờ.
còn tiếp nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét