Giới Thiệu sách: CHA QUYNH - Con Người - Sự Kiện - Giai Thoại .Chương hai


CHƯƠNG HAI

TỪ BIỆT GIA ĐÌNH
TRÔI NỔI ĐỜI HỌC SINH

5. RA TỈNH NAM ĐỊNH HỌC
(1935 – 1940)

Nhờ có suất học bổng trời cho, cậu Quynh đã được cha người Bỉ gửi ra nhà xứ Nam Định học. Thế là từ năm lên 9 tuổi, cậu đã từ biệt gia đình, từ biệt quê hương Trì Chính để sống trôi nổi đời học sinh.

Khoảng 5 năm học ở Nam Định, cậu Quynh đều được xếp vào loại học sinh giỏi của Tỉnh. Cha xứ Nam Định: cố Cao, tên Tây là Vacquier, rất tự hào về cậu. Đi đâu cha cũng khoe là có thằng cậu mới 13 – 14 tuổi nhưng học rất giỏi. Vì thế có nhiều phụ huynh mang con em vào nhà xứ xin cha nói với cậu kèm học thêm cho con em họ. Cố Cao còn nhờ cậu Quynh tập hát Thánh ca cho Ca đoàn Nam Định gồm cả Ta và Tây Đầm nữa.

Thời gian ở Nam Định, cậu Quynh có mấy mẩu chuyện lí thú, và cũng là mấy biến cố, mấy kỉ niệm sâu sắc không bao giờ quên.

***

Chuyện hai viên bi

Năm đầu tiên ở Nam Định, cậu Quynh mới có chín mười tuổi, đã xảy ra một chuyện như sau: Chiều hôm ấy, cố Cao nói với cậu: “Lát nữa có cha khách đến dâng lễ. Các con bảo nhau chuẩn bị giúp lễ cho chu đáo. Cha này hơi hách đấy! Lôi thôi là ăn bạt tai ngay”. Cậu Quynh “Vâng ạ” ngoan ngoãn rồi đi gọi một cậu nữa đến mở cửa buồng áo, chuẩn bị đồ lễ. Mọi khi các cậu thường sát giờ lễ mới đến. Lần này nghe cha xứ cảnh báo nên đến sớm hơn. Đồ lễ đã chuẩn bị xong cả. Nhìn đồng hồ, thời gian vẫn còn sớm. Các cậu không biết làm gì, liền chơi bi với nhau.

Cả hai cậu đều chơi bi rất diệu nghệ. Những phát bắn rê ngang, bắn sượt đầu rất chuẩn xác. Các cậu đang say sưa chơi, không ngờ cha khách đã đến. Cha lặng lẽ không nói một câu, chỉ cúi xuống thu hai viên bi bỏ túi, rồi vào mặc áo lễ. Hai cậu cũng vội mặc áo giúp, ra châm nến bàn thờ, bật đèn cung thánh. Thánh lễ bắt đầu như không có chuyện gì xảy ra.

Thế nhưng đến phần Phụng vụ Thánh Thể, khi cha chủ sự đưa chén thánh ra để đón nhận của lễ là rượu và nước từ tay các cậu giúp thì cậu Quynh không đưa rượu. Lại nằng nặc đòi “trả bi đã! trả bi đã!” Cha khách trừng mắt trấn áp. Cậu Quynh vẫn không chịu trao rượu lễ. Đến nước này sợ ê mặt với giáo dân đang dự lễ, cha chủ sự đành móc hai viên bi ra trả cho xong chuyện. Thánh lễ lại tiếp diễn như không có sự cố gì.

***

Câu chuyện trên đây tôi được nghe cha cố Antôn Hiệu kể đã hơn hai mươi năm rồi. Lúc ấy tôi hỏi cha: “Còn sau đó thì thế nào nữa ạ?” Cha Hiệu bảo tôi: “Chỉ có thế là hết. Mất bi rồi dùng mưu lấy lại được bi là xong chuyện. Còn anh thấy chưa hết thì anh cứ…thêm vào!”

Mấy chục năm rồi, tôi thấy mẩu chuyện này vẫn còn thiếu một hồi sau. Theo tôi, mới chỉ là mẩu chuyện ngồ ngộ, vui vui, cái sai, cái đúng chưa có sức thuyết phục rõ ràng. Đã đôi lần tôi trực tiếp hỏi cha già, nhưng đều không đúng lúc nên bị cha coi là lẩm cẩm, gạt đi. Tuy nhiên, nhiều giáo dân Tiên Lãng đã được nghe cha kể chuyện này, nhưng chuyện họ thuật lại còn lõm bõm hơn cả chuyện cha Hiệu kể. Mãi gần đây tôi mới được một cô giáo dạy văn, cũng là một giáo lý viên kể cho nghe tiếp đoạn sau:

Lễ xong. Vừa vào đến buồng áo, mặt cha khách đã tím lại, giọng hầm hầm: “Xếp dọn xong đồ lễ, biết điều lên ngay phòng khách cho tôi gặp. Táo tợn lếu láo đến thế là cùng. Nếu không lên thì đừng hòng ở đây nữa. Chỉ có về nhà mà xua gà”. Nói đoạn, cha khách ra khỏi buồng áo.

Cậu giúp lễ kia sợ tái mặt, oán trách cậu Quynh. Cậu Quynh bảo việc tớ làm tớ chịu hết, một mình tớ lên là đủ. Cậu đưa cho tớ quyển Phúc âm! Cậu kia ngơ ngác nói: “Phải tìm cái mo, hay tấm bìa cứng mà lót vào trong quần để đỡ đòn, chứ quyển sách bé thế này thì làm gì được!” Cậu Quynh không nói gì chỉ lật lật tìm một trang sách, nhẩm đọc, rồi trao lại sách cho cậu kia cất vào tủ. Ra khỏi buồng áo, cậu Quynh còn bình tĩnh nói với bạn: “Cứ yên trí, Lời Chúa sẽ cứu tớ không phải ăn đòn như cậu tưởng đâu!” Nghe nói vậy, cậu kia ngẩn người, không sao hiểu nổi.

Đến phòng khách, cậu Quynh cúi đầu chào cha. Cha xẵng giọng hỏi:

- Còn thằng nữa đâu?

- Dạ. Sự việc chỉ có mình con làm, bạn kia không can dự gì nên không có mặt ạ!

- Hai thằng cùng mắc tội chơi bi, sao lại nói không can dự gì?

- Thưa cha, chơi bi là có tội ạ?

- Thôi, không nói nhiều! Bây giờ mi đã biết tội của mi chưa? Dám coi Thánh lễ không bằng viên bi. Coi thường Thánh lễ là coi thường sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Mi có biết không?

- Thưa cha, con không coi thường Thánh lễ, nhưng Chúa Giêsu dạy có điều còn trọng hơn Thánh lễ ạ.

- Láo toét, không lí sự cùn nữa, mất thì giờ. Ta không hiểu sao mà cố Cao lại khen mi là rất giỏi giang thông minh. Giờ mi nói đi! Tội của mi đáng nhận hình phạt nào cho cân xứng. Một là nằm xuống chịu 20 roi để nhớ đời, hai là ta nói với cố Cao đuổi mi về Phát Diệm, không cho học ở Nam Định nữa.

- Thưa cha, xin cha cứ bình tĩnh ngồi xuống đã, đừng lăm lăm cầm cái roi như vậy. Con đã lên gặp cha thì con không bỏ chạy đâu. Nhưng quả thực, con chưa biết con có tội gì.

- Tội tày đình là thế mà vẫn còn cãi à?

- Thưa cha, con không cãi mà con nghĩ là con đã làm đúng Lời Chúa dạy.

- Chúa nào dạy thế! Được, ta bình tĩnh để nghe mi nói. Nếu mi dẫn ra được ở sách nào, đoạn nào, Chúa đã dạy mi là đòi được bi thì mới trao rượu cho ta dâng lễ, ta sẽ tha cho mi, bằng không, ta sẽ tăng mức phạt lên 30 roi về tội cố tình chống cãi. Mi có bằng lòng không?

- Vâng, cha con mình thỏa thuận như thế nhá! Giờ xin cha giở sách Phúc âm Matthêu phần đầu, ngay sau bài giảng trên núi một quãng…

- Đoạn mấy? Câu mấy? Nói mau! Không phải vòng vo dài dòng nữa.

- Vâng, con không dài dòng mà chỉ muốn hướng dẫn cha tra sách cho nhanh xem con nói có đúng không thôi. Matthêu đoạn 5 câu 23 đến 24 Chúa đã dạy: “Nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trên bàn thờ mà còn có chuyện bất bình với ai, thì hãy để của lễ lại đó. Làm hòa xong rồi hãy dâng lễ vật”. Con là người dâng của lễ trên bàn thờ, con đã làm đúng như thế, không sai một li.

Ông cha khách trợn mắt ngạc nhiên về sự thuộc Kinh Thánh và vận dụng rất thông minh của cậu Quynh. Ông đã xẹp cơn thịnh nộ. Tuy vậy, ông vẫn còn giữ thế thượng phong:

- Được ta giữ lời hứa, tha tội cho cậu. Nhưng cậu không phải vô tội đâu. Nghe ta nói đây: Tội thứ nhất chơi bi trong lúc ấy là sai. Cậu giúp lễ là người dâng lễ vật, đôi tay phải sạch sẽ tinh khiết. Bàn tay cứ xoè ra úp xuống đất là mất vệ sinh. Tội thứ hai, viên bi là chuyện nhỏ, làm sao lại bất bình đến mức phải dừng của lễ để đòi bi? Cậu vận dụng Lời Chúa mới đúng có một vế thôi. Cậu tưởng đòi được bi là hòa, là xong à? Chỉ xong với các cậu thôi, còn với ta thì lại bắt đầu bất bình, căm tức, chia trí suốt cả ván lễ!

- Thưa cha, con xin nhận lỗi với cha về tội thứ nhất. Còn tội thứ hai làm cha căm tức, chia trí thì quả con không ngờ đến. Con cứ nghĩ khi dâng lễ, cha đã nâng tâm hồn lên với Chúa, chấp gì đến đứa con nít đòi bi.

- Phải như con nói mới đúng, nhưng ta còn tự ái nóng nẩy, chưa đạt được đến tầm mức ấy. Thôi, giờ thì cha con mình làm hòa, cùng quyết tâm sửa chữa bản thân. Con có còn muốn nói với ta điều gì không?

- Con cám ơn cha. Hôm nay cha đã làm con lớn lên… Nếu cha cho phép, con cũng xin góp với cha một điều nữa ạ. À mà điều ấy cha cũng vừa tự nhận ra rồi!

- Được con cứ mạnh dạn nói rõ thêm đi!

- Con…con nghe cha nổi tiếng nóng nảy. Chúa Giêsu là vị mục tử rất hiền lành và khiêm nhường. Chúa cũng cầm cái roi, cái gậy nhưng không phải để vụt chiên, mà chỉ để bảo vệ đàn chiên khỏi sói rừng mà thôi.

- Ta hiểu ý con rồi. Là linh mục hãy học mục tử Giêsu. Đúng không? Giờ thì ta cũng nói một lời giống con: Ta cám ơn con. Hôm nay con đã làm ta lớn lên.

Rồi hai cha con ôm nhau. Cha khẽ vỗ vào vai con và thì thầm: Hòa nhé! Phải lớn lên nhé!

Nghe xong Chuyện hai viên bi hồi sau vừa kể trên, tôi nói với cô giáo dạy văn:

Tôi cũng cám ơn cô vì cô đã kể cho tôi nghe một mẩu chuyện rất lí thú, cảm động và đã làm cho tôi…thấy mình lớn lên.

***


Phụ trách HƯỚNG ĐẠO SINH

Lúc ấy, phong trào HƯỚNG ĐẠO SINH mới du nhập vào Việt Nam chưa lâu, đang thu hút nhiều thanh thiếu niên. Cố Cao đã trao quyền cho cậu Quynh thành lập và phụ trách một đội tại địa bàn Nam Định. Cậu Quynh vốn có tính năng động, tháo vát nên rất thích hợp với việc phụ trách tổ chức đó.

Vì lí do chiến tranh và thời cuộc chính trị, HƯỚNG ĐẠO SINH Việt Nam đã bị đình chỉ hoạt động tại miền Bắc từ năm 1954, và rồi toàn quốc vào năm 1975. Cho nên, những thế hệ trẻ Việt Nam sinh từ năm 1970 trở về sau có thể ít biết về tổ chức này.

Xin kể sơ qua đôi nét lịch sử HƯỚNG ĐẠO SINH Việt Nam: Đoàn thể này đã được thành lập vào năm 1930. Hai người sáng lập là Trần Văn Khắc và Hoàng Đạo Thúy. Phong trào khởi đầu được hình thành tại Hà Nội, rồi mau chóng lan ra Hải Phòng, Nam Định, sau đó lan rộng khắp toàn quốc, từ Bắc chí Nam.

Đây vốn là một tổ chức Phong trào Hướng đạo thế giới (World Organization of the Scout Movement). Mục đích là giáo dục thanh thiếu niên những kĩ năng sống và ý thức công dân; bổ túc cho giáo dục gia đình và nhà trường, rèn luyện tác phong tháo vát, thích nghi với mọi hoàn cảnh, biết trọng danh dự và góp phần hữu ích cho xã hội, cho đất nước. HƯỚNG ĐẠO SINH Việt Nam được thành lập cũng theo những mục đích chung đó.

Buổi ban đầu chưa có tên là HƯỚNG ĐẠO SINH, cứ gọi theo tên Tây là Scout (Xì- cút), rồi tên Ta là Đồng Tử Quân. Đến năm 1933, Hoàng Đạo Thúy mới đổi tên gọi là HƯỚNG ĐẠO SINH và chọn đồng phục áo sơ mi ngắn tay mầu nâu, quần soóc (cộc) mầu xanh cùng mũ rộng vành có dây quai.

Tên gọi HƯỚNG ĐẠO không có nghĩa là dạy Đạo, không liên quan đến một tôn giáo nào. Hầu hết các đơn vị hướng đạo không phân biệt tôn giáo của đội viên. Vì thế, đội HƯỚNG ĐẠO SINH như một thanh nam châm đã thu hút rất đông những nhà trí thức tương lai như Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng…Các ông này về sau đã trở thành những nhân vật tên tuổi trong chính trường, cũng như trong lĩnh vực văn hóa, khoa học của Việt Nam.

Cũng vì phụ trách HƯỚNG ĐẠO SINH, cậu Quynh đã biết những ông này. Năm 1955, Hà Nội vừa tiếp quản, Bác sĩ Trần Duy Hưng làm chủ tịch thành phố Thủ Đô, biết tin cha Quynh là linh mục đang ở Hà Nội, đã mời cha đến nhà riêng gặp mặt, anh em hàn huyên ôn lại thời HƯỚNG ĐẠO SINH hai mươi năm về trước.

6. CHA ĐỠ ĐẦU: CỐ CAO (VACQUIER)

Chúng tôi nghĩ: muốn đi tu thì phải có cha đỡ đầu. Cha đỡ đầu là linh mục bảo lãnh cho một người đi tu. Và người đi tu đó nhận mình là con của cha đã bảo lãnh mình, hay còn gọi là cha đỡ đầu mình. Trường hợp cậu Quynh thì lại không phải như vậy. Không biết từ đâu, người ta coi cố Cao là cha đỡ đầu của cậu. Chúng tôi đã có lần hỏi cha Quynh:

- Thưa cha, cha chọn cố Cao hay cố Cao chọn cha?

- Chẳng ai chọn ai cả. Khi tôi đi tu thì không có ai đỡ đầu. Còn gọi cố Cao là cha đỡ đầu tôi thì cũng được.

Câu chuyện là thế này, nghe đầy kịch tính và cảm động:

Năm năm ra Nam Định học, cậu Quynh thấy mình nhàn quá, học hành chẳng có gì vất vả. Cậu đã nhận dạy học thêm, kèm cặp một số học sinh lớp dưới cậu. Vì thế cậu đã kiếm được số tiền kha khá để trang bị cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của mình. Cậu còn có tiền đi chơi đó đây, đi xem phim ở rạp nữa.

Một hôm cậu Quynh bỗng bị cố Cao gọi lên phòng và bất ngờ vả cho một cái nẩy đom đóm mắt. Cậu đứng ngớ người ra, chẳng hiểu sao cả. Cố Cao mắng:

- Cậu đã bôi tro trát trấu vào mặt tôi rồi! Vừa mới có mấy phụ huynh đến nói từ nay họ không cho con em họ vào học cậu nữa.

Cậu Quynh vẫn đứng như trời trồng, im lặng, chẳng hiểu sự thể làm sao. Cố Cao nói tiếp:

- Họ đã bắt gặp cậu đi xem cinê ở rạp. Họ cho rằng cậu đi tu mà như thế là quá bừa bãi, xấu xa. Họ không thể để một con người có tài mà không có đức như cậu dạy con em họ.

Giờ cậu Quynh mới vỡ lẽ, giọng buồn rầu, cậu phân trần:

- Thưa cha, con đã đi tu đâu. Phim con vừa xem là phim Valse dans l’ombre, một phim rất hay và lành mạnh. Bản nhạc trong phim đã trở thành bản nhạc quen thuộc của mọi dân tộc. Con nghĩ xem phim ấy thì chẳng có gì là lỗi, là xấu cả. Người ta hiểu nhầm con. Nhưng con cũng xin lỗi cha vì con đã làm phiền lòng cha.

- Có hai vợ chồng người Pháp có uy tín, họ cũng tố cáo cậu với tôi. Bây giờ thì tôi rất xấu hổ vì cậu. Cậu bảo cậu chưa đi tu. Không ai tin được, cả tôi cũng không tin. Cậu được cha Bỉ đỡ đầu nuôi ăn học, cậu ăn ở nhà chung, làm việc ở nhà chung. Thế mà lại bảo không phải đi tu? Lạ thật! Thôi, số tiền cha đỡ đầu của cậu gửi tôi nuôi cậu ăn học hãy còn chỗ này đây. Tôi trả cho cậu. Cậu liệu thu xếp mà ra đi. Cậu không thể ở nhà xứ Nam Định với tôi được nữa rồi.

Cậu Quynh choáng váng vì biến cố quá bất ngờ. Tuy vậy cậu vẫn bình tĩnh có ý kiến:

- Thưa cha, cha đã đánh đuổi con thì con phải đi thôi. Nhưng còn số tiền cha trao cho con thì con không dám nhận đâu. Vì đó không phải là tiền của con.

Cố Cao ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:

- Phải, cậu không cầm tiền cũng là đúng lẽ. Thôi cậu hãy về phòng nghỉ ngơi và thu xếp hành lí. Đợi tôi liên lạc với cha Bỉ rồi đầu giờ chiều, cậu sẽ lên gặp tôi nhận quyết định.

Cậu Quynh về phòng, hành lí lúc nào cũng gọn ghẽ trong một vali, chẳng có chi phải thu dọn. Cậu ngả mình xuống giường thư giãn để lấy lại tinh thần. Cậu nhắm mắt, thì thầm với Chúa: “Chúa ơi! Con phó thác mọi sự đời con trong tay Chúa. Con chỉ xin Chúa gìn giữ con, đừng để con làm điều gì sai lỗi.”

Đến đầu giờ chiều, cậu Quynh lên gặp cố Cao. Cậu thấy nét mặt cố đượm sự trầm tư, không còn vẻ giận dữ ban sáng nữa. Cố ôn tồn hỏi cậu:

- Ban sáng cha đánh con, bây giờ còn thấy đau không?

- Thưa cha, không ạ.

- Thế mà cha vẫn còn thấy đau đấy… Bởi vì cha đã đánh oan con…Đúng là con chưa hề có ý đi tu…Cha Bỉ gửi con ra đây ăn học chỉ vì yêu thương con chứ không định hướng hay áp đặt con đi tu. Cha Bỉ đã đỡ đầu con bằng việc làm chứ không bằng chức danh, không kèm theo điều kiện nào. Còn cha lầm, mấy năm nay cứ ngỡ con là tu sinh, giao cho con việc gì Nhà Chúa con cũng nhận cả, và hoàn thành rất tốt. Giờ thì con nghe cha quyết định đây: Cha không đuổi con, nhưng gửi con vào Huế học lên cao hơn. Cha tiếp nối cha Bỉ bảo trợ con ăn học nội trú tại trường Providence. Khi nào con đỗ tú tài xong thì lại về đây với cha. Con bằng lòng chứ?

Đương nhiên là cậu Quynh rất mừng rỡ nhận lời. Ôi, chỉ trong một ngày mà họa – phúc đến với cậu đều bất ngờ và quá nhanh. Cậu như cánh chim non đang nhởn nhơ bay lượn giữa bầu trời quang đãng thì thình lình bị cơn dông ập tới quật rớt tả tơi thảm hại. Thế rồi từ sự thảm hại ấy lại là khởi đầu cho một chuyến bay cao hơn, xa hơn đến khoảng trời mới đầy hứa hẹn.

***

Câu chuyện trên, chúng tôi đã có dịp kiểm chứng vào năm 1989, sau khi cha Quynh vừa có chuyến đi Tây về. Cha kể thêm:

- Phải nói rằng ở cái tuổi tôi lúc ấy thì chẳng có ai đi xem chiếu bóng. Không phải họ coi chiếu bóng là xấu mà vì có đi xem cũng chẳng hiểu được. Hầu hết phim đều nói tiếng Pháp. Mà làm gì có thuyết minh và lồng tiếng Việt như bây giờ.

- Thưa cha, việc xảy ra như vậy có làm ông cha Bỉ phiền lòng không ạ?

- Không. Trái lại ông còn nói tốt về tôi với cố Cao, ông rất thông cảm với tôi, hoàn toàn để tôi lựa chọn hướng vào đời. Ông cha Bỉ hiện vẫn còn sống, 92 tuổi rồi. Ông rất yêu Việt Nam. Biết tôi sang Pháp, vẫn cố đến gặp tôi. Ông ấy hỏi: “Hồi này ở Việt Nam có còn phân phối thịt mắm theo tem phiếu nữa không?” Tôi cười đáp: “Thôi rồi”. Ông ấy mừng thốt lên: “Thế thì đỡ khổ.”

Ngài là một người cha rất đôn hậu và thánh thiện. Còn cố Cao, Một người cha đỡ đầu tiếp nối cha Bỉ cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong đời tôi. Nghe nói, Cố đã qua đời năm 1943, khi tôi còn đang học tại Huế.

- Và thưa cha, vì thế bản nhạc “Valse dans l’ombre” đã làm cha yêu thích đặc biệt. Cha đã biến nó thành bài “Giữ tình duy nhất” mà giáo dân Hà Nội, Hải Phòng một thời ai cũng thuộc.

(Ghi chép năm 1989)

7. VÀO HUẾ HỌC TRƯỜNG PROVIDENCE
(1940-1943)

Mùa Thu năm 1940, Nhật đổ bộ vào Đông Dương. Việc giao thông đi lại trở nên rất khó khăn. Tuy rằng vẫn còn là thời Pháp thuộc, song Pháp tự biết mình yếu thế hơn Nhật nên đã nhượng bộ Nhật đủ điều. Các trạm đường giao thông và thuế quan đều do Nhật nắm giữ, kiểm soát.

Cậu Quynh phải chật vật lắm mới vào được đến Huế. Cậu đã đến trường Providence, xuất trình giấy giới thiệu của cha Vacquier. Cậu nhanh chóng được đón nhận vào học và ăn ở nội trú trong nhà trường.

Hồi ấy, về phía Công giáo chỉ có ba trường trung học lớn danh tiếng là ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Các học sinh trong trường Providence phần nhiều là con nhà giàu, con em các quan chức: Ta có, Tây có, Giáo có, Lương có. Trang bị cơ sở học tương đối hiện đại, sinh hoạt ăn ở khá sang. Chắc là học phí cũng khá tốn kém. Nhưng cậu Quynh thì khỏi lo, cứ an tâm mà học. Đặc biệt, nhà trường có một phòng sách lớn, nhiều đầu sách quý hiếm, ở ngoài không có. Các học sinh trong trường, phần nhiều học đã thấy căng, có lên phòng sách cũng chỉ là tìm đọc loại sách có nội dung nhẹ nhàng thư giãn, hoặc loại sách tham khảo hỗ trợ cho chương trình đang học mà thôi. Cậu Quynh thì lại khác, học hành thấy nhàn hạ, phòng sách mới là kho kiến thức quý mà cậu say mê khám phá. Những đầu sách cậu tìm đọc thường là của các tác giả thần học đương đại, loại sách nằm đã lâu trong tủ, chẳng mấy ai rờ mó đến, vì nó khô khan và khó hiểu. Ấy vậy mà cậu Quynh đọc lại thấy hấp dẫn, càng đọc càng thấy tỉnh táo như uống cà phê vậy. Qua sách, cậu đã lờ mờ nhận ra bộ mặt Giáo Hội Phương Tây và cả Giáo Hội Việt Nam nữa: những cái được, và chưa được, những cái trì trệ, lỗi thời cần sớm canh tân.

Thấm thoát đã hết ba năm học. Mùa Hè năm 1943, cậu Quynh học xong và đi thi. Cậu có bằng Tú tài loại ưu tại Huế. Cha quản lí trường đã gọi cậu lên và trao cho số tiền 120.000đ, nói là tiền còn dư lại sau ba năm ăn học tại trường (thế mới biết là số tiền cố Cao chi cho cậu ăn học quá lớn). Lần này thì cậu Quynh nhận ngay chứ không từ chối như khoản tiền của cha Bỉ mà cố Cao đưa cậu ba năm về trước.

***

Gian nan đường về

Lúc đi đã chật vật, ngày về còn gian nan gấp bội. Đường sắt, Nhật đã hoàn toàn chiếm dụng làm phương tiện vận tải quân sự. Trên đường quốc lộ từ Huế về Bắc vắng tanh, cả ngày mới gặp dăm ba chiếc ôtô chạy qua, song đều không phải là xe khách. Có vẫy xin đi thì họ càng phóng nhanh hơn như thể gặp cướp. Thôi, cậu Quynh đành quyết định đi bộ 600 km từ Huế về Nam Định vậy. Số tiền 120.000đ khá lớn. Để đề phòng bất trắc, cậu phải san mỏng yểm vào trong giầy và bít tất.

Ngày đầu tiên đi được đến Đông Hà thì trời nhá nhem tối. Cậu Quynh vào một quán ăn, xem dáng bà chủ quán có vẻ là người tốt. Ăn xong, cậu thuê phòng nghỉ đêm. Có lẽ mấy năm ở HƯỚNG ĐẠO SINH đã rèn luyện cậu tác phong lanh lợi tháo vát, thích nghi với mọi hoàn cảnh sống. Dù mệt, cậu vẫn chưa ngủ ngay mà còn nằm nghe ngóng quan sát. Cậu thấy có vài tên xem ý gian, như đang muốn theo dõi cậu. Thế là tình hình không ổn rồi! Cậu khẽ nhỏm dậy, đi giầy bít tất cẩn thận, rồi lẻn cửa sau ra vườn. Qua một hàng giậu thưa, bên ngoài là bờ biển cát. Cậu đi ngược trở lại phía Huế. Cậu đoán quả không sai, mấy tên gian phi đã xô ra cổng sau tìm cậu. Nguy quá! Bãi cát không có chỗ ẩn nấp, cậu đành ôm hành lí ngồi thu lu bất động như thể tảng đá. Chúng lia đèn pin về hướng Bắc, nói với nhau: “Không thấy đâu cả…Nó vừa đi thôi…Đuổi mau là bắt được…” Cậu Quynh thở phào vì vừa trải qua khoảnh khắc nín thở. Cậu lại lên đường vào thị trấn Đông Hà. Phần nhiều nhà đã cửa đóng then cài. Có một nhà bên trong đang có tiếng đọc kinh. Cậu Quynh gọi cửa. Họ hỏi vọng ra: “Anh là ai?” Cậu nói: “Là con cha xứ Nam Định”. Họ đòi xem giấy. Cậu Quynh lấy giấy buộc vào hòn sỏi ném vào. Xem xong, họ mở cổng cho cậu nghỉ một đêm bình an.

Sáng hôm sau, cậu Quynh lại lên đường tiếp tục cuộc đi. Lúc thì gặp trạm lính Nhật kiểm soát, lúc thì gặp máy bay Mĩ oanh tạc ném bom. Cuộc đi đầy phiêu lưu mạo hiểm và gian nan. Cậu rút kinh nghiệm không nghỉ đêm ở quán trọ nữa, mà tìm vào nghỉ nhờ nhà xứ họ đạo ven đường hoặc nhà giáo dân.

Cứ như thế, cậu Quynh đi bộ ròng rã 9 ngày thì về đến Nam Định. Lúc này cậu mới biết tin cố Cao không còn nữa. Lòng cậu trào dâng bao buồn đau và nỗi nhớ tiếc!

***

Lại nói thêm về cố Cao: Cố Cao là người Pháp hơi nóng tính nhưng sống thánh thiện, không quan tâm đến chính trị, xã hội. Năm 1945, quân Nhật lăm le hất cẳng Pháp ở Đông Dương. Pháp vội phải gọi thêm quân trù bị người Pháp để bổ sung lực lượng. Các cố Tây dạy học ở trường chủng viện Xuân Bích đều phải nhập ngũ. Cố Cao cũng phải nhập ngũ với lon thiếu úy. Đó là bi kịch để đời Cố kết thúc ngắn ngủi và thảm thương. Cố đã bị Việt Minh thủ tiêu mất xác khi về nhà xứ Nam Định năm 1943 (Hồi kí Đức cha Lê Đắc Trọng tập I, trang 91 và tập II trang 41).

8. ƠN GỌI ĐI TU (1944)

Chàng thanh niên 18 tuổi Phạm Hân Quynh sau khi thi xong tú tài toàn phần tại Huế thì cha đỡ đầu đã qua đời. Từ đây chàng bắt đầu sống cuộc đời hoàn toàn tự lập. Chàng đã về Hà Nội và quyết định đi tu trọn đời.

Con đường đi tu của chàng không do cha mẹ định hướng, sắp xếp, cũng không bởi tác động của bạn bè hay một cá nhân nào. Ngay cả hai cố Tây đỡ đầu cho chàng ăn học suốt 8 năm cũng không hề có kèm điều kiện nào. Giờ đây tự chàng quyết định hoàn toàn. Đấy là nói theo kiểu thế gian. Còn theo đức Tin thì đó là Ơn gọi, là sự Chúa chọn.

Chúa đã chọn chàng, đã rấm chàng từ khi còn thơ bé. Thử hỏi: Tại sao chàng lại thích đi lễ trong dòng kín Carmel? Tại sao chàng lại thành cậu giúp lễ? Tại sao ông cha Bỉ lại yêu chàng và cho chàng suất học bổng đặc biệt? Rồi từ cái vả nẩy đom đóm mắt của cố Cao, cố lại thành người cha đỡ đầu cho chàng 3 năm ăn học đầy tốn kém? Đối với chàng thì tất cả đều là ngẫu nhiên. Song đối với Thiên Chúa thì dù một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không hề ngẫu nhiên đâu!

Sau này chắc nhiều người đã hỏi cha “Tại sao cha đi tu?”. Khi cha về làm linh mục Hải Phòng, chúng tôi cũng hỏi cha câu ấy. Và cha đã trả lời:

- Tôi thấy tình hình Giáo Hội còn rất lạc hậu và non nớt, lại đang đứng trước khúc quanh của lịch sử nên dễ bị phân hóa, lạc hướng và rơi vào viễn cảnh mờ mịt! Nói chung là rất nguy nan. Tôi muốn ghé vai chống đỡ…

- Xin cha nói rõ, cụ thể thêm chữ “nguy nan” là thế nào ạ?

- Nguy nan vì cách sống Đạo và giảng Đạo nhiều điểm đã lỗi thời, sai lệch rồi! Còn nguy nan về thời thế, về hoàn cảnh sống mới bất lợi nữa.

Đúng là Chúa đã chọn cha như khí cụ tình yêu của Ngài. Và Chúa đã sử dụng cha đúng lúc, đúng chỗ.

9. NHẬP CHỦNG VIỆN HÀ NỘI (1944)

Chủng viện là “vườn ươm trồng” riêng của Giáo Hội để nhằm đào tạo giáo sĩ tương lai. Việc tuyển chọn ứng sinh vào học chủng viện ở mỗi thời và mỗi nơi có những thể lệ khác nhau. Vào thời điểm năm 1944 ở Hà Nội, thể lệ vào chủng viện tương đối thoáng. Chàng thanh niên Phạm Hân Quynh đã được nhận nhập chủng viện một cách dễ dàng. Và từ đây, chàng được mọi người gọi là tu sĩ, là thày.

Lúc này là cuối thời Thế chiến 2, lịch sử thế giới cũng như Việt Nam đang có những biến động ác liệt. Hàng ngày ở Hà Nội, cứ nghe thấy tiếng còi báo động là mọi người lại vội vã chui xuống hầm trú ẩn để tránh máy bay Mỹ ném bom Nhật. Vì lẽ đó, chủng viện Hà Nội tạm thời chưa khai giảng được.

Đầu năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chỉ qua một đêm, Nhật đã lật đổ ách thống trị Pháp tại Việt Nam. Thế là Việt Nam chấm dứt 80 năm thời Pháp thuộc, chuyển sang thời Nhật thuộc.

Giữa năm 1945, bên trời Âu, Phát xít Đức đầu hàng vì bị quân đồng minh tiêu diệt đến tận hang ổ Berlin. Còn vùng Á đông, ngày 14/8/1945, Nhật hoàng cũng xin đầu hàng vô điều kiện sau khi phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử khủng khiếp tại Hirôshima và Nagazaki. Đây là thời cơ các nước Đông Nam Á lần lượt tuyên bố giành độc lập mà không mất một mũi tên viên đạn nào. Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh lịch sử chung đó.

Thày Quynh có mặt ở Hà Nội trong những ngày biến động lịch sử cực kì to lớn này. Thày đã chứng kiến trang sử mới của Dân tộc và cả của Giáo Hội Việt Nam. Chỉ 5 ngày sau khi Nhật đầu hàng, ngày 19/8 Việt Nam khởi nghĩa và Cách mạng đã thành công. Toàn dân Việt ngỡ ngàng, choáng ngợp trong bầu khí đất nước độc lập. Mọi thành phần Giáo Hội đều tỏ lòng yêu nước, nhiệt tình ủng hộ nền độc lập non trẻ. Đương nhiên, chủng viện Hà Nội lúc này vẫn chưa thể trở lại hoạt động bình thường trước một chế độ mới.

10. HỒ CHỦ TỊCH ĐẾN NHÀ CHUNG
HÀ NỘI VÀ NGÀY 2 THÁNG 9 NĂM 1945

Chỉ mươi ngày sau Cách Mạng Tháng Tám, Hồ Chủ tịch đã đến thăm Nhà chung Hà Nội. Lúc ấy thày Quynh và một số tu sĩ trẻ khác đang tất bật trang trí nhà thờ và trường Dũng Lạc. Đoàn xe ôtô của cụ Hồ đỗ ngay bên bậc thềm Nhà thờ Lớn, gần tượng đài Đức Mẹ. Rồi cụ Hồ cùng đoàn tuỳ tùng đi bộ phía bên trái nhà thờ tiến vào cổng Nhà chung.

Các tu sĩ trẻ đã nhận ra ngay cụ Hồ, mặc dù chưa được gặp cụ lần nào. Các thày mừng rỡ vây quanh cụ, hớn hở chào:

- Chúng cháu chào bác ạ!

Cụ Hồ nét mặt tươi vui niềm nở:

- Bác cũng chào các cháu! Các cháu đang làm chi mà giăng đèn hoa đẹp vậy?

Mấy thày ngập ngừng, chưa biết trả lời sao cho tế nhị. Một cán bộ trong đoàn cụ Hồ nhanh nhảu nói:

- Thưa bác, chắc là các tu sĩ đây đang trang trí đèn hoa chào mừng ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công đấy ạ!

Mấy người dân ở mặt phố gần đấy tinh mắt, nhận ra cụ Hồ, cũng tuốn đến, đứng vây xung quanh vị lãnh tụ một cách trật tự.

Cụ Hồ mỉm cười hỏi lại các tu sĩ:

- Chú cán bộ đoán thế có đúng không, các cháu?

Mấy tu sĩ trẻ nhìn nhau ấp úng, càng thấy khó nói. Giả như chỉ cần gật đầu “vâng ạ” là xong, và còn làm đẹp lòng nhau, nhưng đó không phải là sự thật. Thày Quynh đành lựa lời đáp:

- Thưa bác, ngày chào mừng Cách Mạng Tháng Tám đã qua rồi ạ. Đây là chúng cháu trang trí mừng một ngày lễ sắp đến: Ngày Chúa nhật 2 tháng 9 là lễ kính Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam – Ngày giỗ tổ của Giáo Hội Việt Nam chúng cháu.

Cụ Hồ nhíu mày suy nghĩ rất nhanh. Rồi gật gù nói:

- Tốt! Tốt! Bác sẽ làm cho ngày 2 tháng 9 này trở thành ngày Đại lễ của cả dân tộc Việt Nam. Thôi bác cháu ta cùng nhau vào Nhà chung thăm các vị giáo phẩm.

Mấy tu sĩ đã đón dẫn đoàn khách cao cấp vào phòng khách Tòa Giám mục. Tại đây, chủ khách tiếp đón nhau rất trang trọng và thân tình. Phía chủ: toàn các cha, các thày người Việt Nam. Đức cha Thịnh (Chaize), Cha Chính Huy (Vuillard) tránh mặt không ra tiếp khách là rất khôn ngoan tế nhị, để tránh một mặc cảm do lịch sử để lại.

Cụ Hồ chủ động nói lên niềm phấn khởi to lớn vì nước nhà đã thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Cụ kêu gọi mọi thành phần trong Giáo Hội hãy tin tưởng, hợp tác với Chính phủ cách mạng, đoàn kết toàn dân thành một khối vững mạnh. Như cụ Giám mục Lê Hữu Từ (chưa tấn phong), Cố vấn của tôi, ông Nguyễn Mạnh Hà, người giáo dân yêu nước, cụ Ngô Tử Hạ, vị nhân sĩ Công giáo, ở ngay phố Nhà Chung đây…Tất cả đều đi theo cách mạng…

Cụ Hồ còn đang say sưa nói, chợt có một người cán bộ của cụ bước đến bên cụ ghé tai nói nhỏ, nhưng mọi người ngồi đấy vẫn nghe được: “Thưa bác, có người nhà từ trong quê ra, muốn gặp bác”. Cụ Hồ nói với người cán bộ: “Ai là người nhà của tôi? Ai là anh em tôi?” Cụ đưa mắt nhìn mấy vị giáo phẩm, mấy người ngồi đấy rồi thân mật dang tay nói: “Đây là người nhà tôi, đây là anh em tôi. Ai nghe lời tôi nói, ai thực hiện mọi chủ trương đường lối của Chính phủ cách mạng thì đều là người nhà tôi cả.”

Đến đây, buổi thăm viếng kết thúc. Chủ khách chia tay nhau trong nét mặt hân hoan thân tình.

Sau này cha con chúng tôi có dịp nhắc đến câu chuyện trên. Chúng tôi xin cha một lời bình, cha từ chối, chỉ giải thích: Theo lịch phụng vụ thời ấy, ngày lễ kính Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam là ngày Chúa nhật đầu Tháng Chín. Mà năm 1945 ngày lễ này rơi vào ngày mồng 2 tháng 9. Còn các năm khác ngày lễ có thể xê dịch sang ngày mồng 5, mồng 6, mồng 7… Vì thế, ngày Quốc Khánh không thể che lấp được.

Chúng tôi bình luận với cha về câu Kinh Thánh (Mt 12,47-50) mà cụ Hồ đã vận dụng khi đó, có lẽ là một kịch bản được dàn dựng sẵn. Cha Quynh chỉ cười. Một anh bạn trẻ khen:

- Cụ thuộc KINH THÁNH và vận dụng khéo đấy chứ!

Nhân nói về sự tích ngày 2 tháng 9, còn một chi tiết mới nữa: Theo Đức cha Trọng kể thì lễ tuyên bố độc lập tại vườn hoa Ba Đình là vào buổi chiều. Buổi sáng hôm ấy là lễ kính Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam hồi 8 giờ tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Phái đoàn Chính phủ cách mạng đã đến dự lễ. Ông Võ Nguyên Giáp được mời lên cung thánh ngồi vào chiếc ghế tựa lớn bọc nhung mà quan Toàn Quyền hay vị thượng khách nào đó mới được ngồi. Khi bước lên cung thánh, ông Giáp tỏ ra rất thành thạo nghi thức Công giáo: đã cúi mình bái sâu trước bàn thờ, rồi quay sang phía ghế Tòa Giám mục chào Đức cha Thịnh, sau cùng chào hai hàng ghế các cha ngồi dự lễ trên cung thánh (hồi ấy chưa có lễ đồng tế).

Để đáp lại Thánh lễ ban sáng ngày 2/9 tốt đẹp quy tụ Đạo đời, Đức cha Thịnh cho phép các thày chủng viện ban chiều mặc áo chùng thâm đi dự lễ Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đoàn có 130 thày, được ưu tiên đứng dưới chân lễ đài (Hồi kí của Đức cha Lê Đắc Trọng tập II, trang 20).


11. LÀM GIA SƯ NHÀ ÔNG MAI VĂN HÀM
VÀ GIAO LƯU VỚI NHÓM CÁCH MẠNG

Hồi ấy, trong số người Công giáo Việt Nam ở Hà Nội có hai vị nổi tiếng học giỏi và có tinh thần yêu nước là ông Nguyễn Mạnh Hà và ông Mai Văn Hàm. Ông Hà coi thầy Quynh là bạn thân, dầu hơn tuổi thầy, còn ông Hàm coi thầy Quynh là người nhà. Ông Hàm có hai cô con gái và hai cậu con trai đều nhờ thầy Quynh làm gia sư kèm cặp. Hai cô con gái học một lớp còn hai cậu con trai học một lớp. Mặc dầu thầy trò tuổi không chênh lệch nhau là mấy, song các cô cậu là con nhà gia giáo nên ứng xử với thầy Quynh rất thân tình nhưng không quá trớn. Đặc biệt, hai cô gái luôn khép nép đoan trang, nói năng cẩn trọng.

Thầy nhiệt tình dạy, trò hào hứng học nên hiệu quả học tiến rất nhanh. Ông Hàm thấy các con học như vậy thì mãn nguyện lắm. Thầy Quynh làm gia sư mà không lấy học phí nên ông Hàm muốn mua thứ nọ thứ kia tặng thầy, nhưng thầy đều từ chối.

Thời bấy giờ, nhà ông Mai Văn Hàm đã trở thành nơi hội tụ của những người Công giáo trí thức và một số lãnh tụ cách mạng. Thầy Quynh ngày nào cũng được mời ăn cơm ở đây. Bữa cơm nào cũng đông vui và sang như ăn cỗ. Trong bữa ăn thường có ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Tấn Zi Trọng, Nguyễn Mạnh Hà… Thỉnh thoảng cũng có mặt hai vị cố vấn là Giám mục Lê Hữu Từ và cựu Hoàng đế Bảo Đại.

Từ ngôi nhà này và từ trong những bữa ăn, các thực khách thường say sưa bàn việc nước. Tuần lễ Vàng mấy ngày sau Cách mạng Tháng 8 cũng từ đây nghĩ ra; cha Phạm Bá Trực cũng từ đây được chọn đề cử vào Quốc hội; Trần Văn Lai cũng từ đây đề xướng việc đi giật đổ các tượng đài Tây ở vườn hoa. Rồi bàn thành lập ngân hàng, bàn soạn thảo các văn bản cho Chính phủ Lâm thời…

Chúng tôi được nghe cha Quynh kể chuyện này từ năm cha mới về Hải Phòng. Lúc đó tôi hỏi cha:

- Ngoài ăn và nghe, cha có làm được việc gì trong cái nhóm “cao cấp” ấy không ạ ?

- Có chứ! Ở đây có hai tờ báo là DÂN QUỐC và KIẾN QUỐC, Tam Lang cũng ở đây viết báo. Tôi được giao duyệt lại các bài viết của Tam Lang. Vì văn Tam Lang hơi mạnh, tôi phải sửa lại cho ôn hòa hơn. Thế rồi một số văn bản soạn ra cho chính phủ, “các tướng” nhà ta toàn soạn bằng Pháp văn, rồi nhờ tôi chuyển dịch sang Việt văn. Quả là ngữ pháp tiếng Tây dễ viết đúng hơn ngữ pháp tiếng Ta.

Cha Quynh quen biết các nhân vật lịch sử là vì thế. Khi cha bị quản chế ở Tiên Lãng, một số các vị ấy có lần lượt về thăm cha để giữ trọn tình cũ nghĩa xưa. Dân Tiên Lãng thi thoảng thấy có đoàn xe con bóng loáng về Xuân Hòa gặp cha Quynh, lại có cả xe cảnh sát hộ tống, họ thì thầm bảo nhau: “Không biết ông Quynh phản động đến cỡ nào mà phải Trung ương về thẩm vấn, lấy cung.” Sau này, họ cũng hiểu ra ông cha Quynh không hề phản động mà suốt đời chỉ bơi ngược dòng nên mang họa vào thân.

12. LONG ĐONG HỌC CHỦNG VIỆN
(1945-1947)

Chủng viện Liễu Giai

Mùa Thu năm 1945, chủng viện Liễu Giai mở cửa khai giảng (chủng viện của hội dòng Saint Sulpice nên còn gọi là chủng viện St. Sulpice hay Xuân Bích, nằm trên đường Liễu Giai – Hà Nội). Thày Quynh đã vào học chủng viện này. Nhưng chủng viện mới khai giảng được vài ba tháng thì đã xảy ra trục trặc: Chính quyền Cách mạng nói là có nhu cầu muốn sử dụng khu nhà trường Liễu Giai, đề nghị Tòa Giám mục Hà Nội mau chóng bàn giao. Nhà nước sẽ thuê với giá 1 đồng Đông Dương một năm (!?). Thực chất là tịch thu và giải tán chủng viện.

Vì thế, chủng viện phải tạm thời giải thể, các cha giáo và chủng sinh đành ngậm ngùi chia tay nhau. Thày Quynh mượn cha Giám đốc toàn bộ giáo trình học để về nhà tự học.

Đan viện Châu Sơn

Rời chủng viện Liễu Giai, thày Quynh không về nhà mà giạt vào Đan viện Châu Sơn thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Thày đã ở đó 10 tháng tự học hành, nghiên cứu và giúp cha Bề trên Gioan Nguyễn Văn Thảo dạy học các tu sinh nhà dòng. Thày cũng có dịp tiếp cận tìm hiểu tinh thần và linh đạo dòng: Một dòng tu chiêm niệm, bắt nguồn từ truyền thống đan tu kì cựu trong Giáo Hội do thánh phụ Bênêdictô sáng lập. Tu luật dòng là sống hãm mình ép xác, CẦU NGUYỆN VÀ LAO ĐỘNG (ora et labora). Bởi thế, thày Quynh nhận thấy căn tính của dòng là rất cao, dù vậy không phù hợp với tính cách con người và ý nguyện của thày.

Thày Quynh và Đức cha Lê Hữu Từ

Đan viện Châu Sơn thuộc Giáo phận Phát Diệm. Đức cha Anselmo Lê Hữu Từ làm Giám mục Phát Diệm, nguyên là Bề trên tiên khởi Đan viện Châu Sơn. Ngài biết tin thày Quynh đang tạm trú tại dòng Châu Sơn, ngỏ ý muốn gọi thày về Phát Diệm thu nạp làm đệ tử để viết lách cho ngài. Đức cha Từ biết khá rõ về thày Quynh vốn là người Phát Diệm và đã một vài lần chạm trán trong nhà ông Mai Văn Hàm. Sợ thày trẻ người non dạ, có những bước đi lệch lạc sai lầm nên ngài muốn kèm cặp giám sát thày.

Còn thày Quynh cũng biết khá rõ về Đức cha Từ: Khi còn là linh mục Bề trên dòng Châu Sơn, cụ Từ và cụ Hồ đã có mối quan hệ đi lại với nhau. Tháng 10 năm 1945, cụ Từ được Tòa thánh tấn phong làm Giám mục Giáo phận Phát Diệm, cụ Hồ đã cử một phái đoàn cao cấp về dự lễ gồm có ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại), Nguyễn Mạnh Hà, Trần Huy Liệu…

Hồi ấy ở vùng Kim Sơn – Phát Diệm còn hay xảy ra cướp bóc hoành hành. Có lần cụ Từ về Hà Nội họp, ở nhà quân cướp kéo đến cướp phá gây thiệt hại nặng nề cho Tòa Giám mục. Cụ Hồ biết tin, muốn phái một đơn vị vũ trang về đóng tại nhà thờ Phát Diệm để bảo vệ an ninh cho khu vực này. Cụ Lê Hữu Từ cám ơn cụ Hồ và không dám nhận sự quan tâm ấy với lí do quá tốn kém; để nhà nước Cách mạng phải đài thọ thì không công bằng, mà nhà thờ Phát Diệm phải chi trả thì không có khả năng tài chính. Cụ Từ chỉ khiêm tốn xin thành lập một nhóm tự vệ dân Công giáo có chút vũ trang loại nhẹ là đủ. Cụ Hồ đồng ý. Thế là nhân dịp phái đoàn Chính phủ về dự lễ tấn phong Giám mục, ông Phạm Văn Đồng đã kí lệnh cho cụ Từ thành lập một lực lượng vũ trang có tên là: Đội “Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc” và liên lạc hàng ngang với “Mặt trận Việt Minh”.

Dần dà Đức cha Lê Hữu Từ mới hiểu ra Cụ Hồ và Việt Minh chính lõi là cộng sản vô thần. Một Giám mục Công Giáo mà làm cố vấn cho hệ phái vô thần thì cực kì phi lí. Nhất là sau khi cụ Hồ kí hiệp định cho quân đội Pháp trở lại Việt Nam. Biết trước sau sẽ xảy ra chiến tranh, nhà nước đề ra chính sách tiêu thổ kháng chiến: đình, chùa, nhà thờ… phải đập phá đi, thì cụ Từ đã rút khỏi, không hợp tác với cụ Hồ.

Cụ Từ biết rõ: Tháp chuông bằng đá, một kì công kiến trúc của nhà thờ Phát Diệm cũng nằm trong mục tiêu phải đập phá. Mình không tự tay đập thì Việt Minh sẽ đến đập. Do đó, lực lượng tự vệ ban đầu để nhằm chống cướp thì nay là lực lượng bảo vệ không cho Việt Minh đến phá nhà thờ.

Thày Quynh hiểu do hoàn cảnh đưa đẩy, Đức cha Từ đang bị cơn lốc chính trị cuốn sâu vào việc thế trần, thày không muốn hợp tác với Đức cha Từ. Nhưng thày biết Đức cha Từ đang giám sát và có mạng lưới vô hình canh giữ thày, không cho thày rời khỏi Phát Diệm.

Cuộc trốn khỏi dòng Châu Sơn

Một buổi chiều, thày Quynh làm vẻ tản bộ ra dạo chơi bến sông. Thấy không có người theo dõi, thày tìm một thuyền Công giáo để làm quen, chủ thuyền là người Trà Cổ. Biết thuyền đó đêm nay đi Hải Phòng, thày đã trình bày hết sự tình với chủ thuyền và xin đi nhờ. Chủ thuyền hơi e ngại nên hẹn thày: Đêm nay thày đi bộ đến Kim Đài, 4 giờ sáng thuyền sẽ đón thày ở đấy để đi Hải Phòng. Thuyền sẽ treo đèn xanh và thày lia đèn pin xuống sông làm tín hiệu để gặp nhau.

Cuộc trốn chạy khỏi dòng Châu Sơn của thày Quynh cũng na ná như các cuộc vượt biên của thuyền nhân Việt ở thập niên 80 sau này. Thuyền đã đến bến Hải Phòng bình an. Thày tìm vào nhà thờ Chính tòa xin gặp Đức cha Lễ nhưng ngài không tiếp, chỉ cho thày Quynh ăn một bữa và ngủ một đêm, sớm hôm sau phải rời khỏi Nhà chung Hải Phòng.

4 giờ sáng, thày Quynh ra ga xe lửa để về Hà Nội. Hiềm một nỗi, thày không có tiền mua vé nên đành liều đi lậu vé vậy. Thày cũng khá tinh ranh nên thoát được sự kiểm soát vé dễ dàng.

Lánh nạn tại dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà

Đến Hà Nội, thày Quynh không dám vào Nhà chung ngay. Thày tìm đến nhà một bạn cũ là bác sĩ Bách. Đợi tối khuya, thày mới dám vào Nhà chung. Cố Huy Bề trên Đại chủng viện gặp thày thì vừa mừng vừa lo. Cố cho biết: Chiều nay mật thám Tây đang dò tìm thày. Cha bắt thày phải ẩn mình ở trên gác không được xuống. Thày đã phải sống cấm cố như thế ba tháng trời trên gác chủng viện. Rồi thày đến lánh nạn tại dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà và tiếp tục tự học.

Ở đây, thày Quynh cũng có dịp tìm hiểu linh đạo Dòng do thánh Anphongsô sáng lập. Khác với dòng Châu Sơn - tinh thần đan tu khép kín, dòng Chúa Cứu Thế có xu hướng nhập thế gần với ý nguyện của thày Quynh hơn. Tuy nhiên, Dòng cũng không có sức hút thày ở lại.

Tháng 11/1946, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Hải Phòng. Một tháng sau, toàn quốc kháng chiến, quân Cách mạng rút vào chiến khu vùng rừng núi, còn Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Bùi Chu…là vùng Pháp chiếm đóng.

Năm 1947, Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội có điều kiện mở cửa khai giảng. Thày Quynh được cha Giám đốc gọi về học một năm nữa là hết toàn bộ chương trình. Thực ra năm học này là để kiểm tra kiến thức tự học của thày, chứ thày cũng chẳng phải học thêm gì nữa. Thày thấy giáo trình học ở chủng viện khi đó nhiều điểm đã cũ kĩ lỗi thời. Các giáo sư thuyết giảng gần như thuộc lòng, chẳng gợi mở được một suy tư gì mới. Thày đã trình với cha Giám đốc:

- Hay cha con đi du học nước ngoài?

- Cái đó là quyền Giám mục, thày không có quyền.

- Nhưng Đức cha Thịnh vừa qua đời rồi, Hà Nội đang khuyết Giám mục. Nếu con tự kiếm được tiền thì có đi được không ạ?

- Ồ, được lắm!

Thế là thày Quynh mượn luôn một phòng chủng viện còn dư để chiêu sinh dạy học.

13. CHUYỆN MỞ LỚP DẠY HỌC (1949)

Hồi đó vì là thời kháng chiến (1947 – 1948) loạn lạc, người dân khi tản cư, lúc hồi cư, học sinh bị gián đoạn học hành nên nhiều cô cậu đã lớn tuổi mà còn học ở lớp thấp. Thày Quynh mở lớp đào tạo cấp tốc, bảo đảm dạy 3 tháng xong một lớp. Họ đã đổ xô vào ghi tên nhập học. Nhất là trường Công giáo xưa nay vốn có uy tín với giới phụ huynh, Giáo cũng như Lương.

Để bảo đảm chất lượng học có hiệu quả, học sinh nhập học cũng phải sơ tuyển. Xét thấy cô cậu nào quá dốt, nhất là không có tinh thần hiếu học, thày Quynh không nhận dạy.

Sáng một lớp 60 học sinh, chiều một lớp 60 học sinh. Ai ghi tên chậm, quá số 60 không nhận nữa. Học phí 60đ / tháng. Vị chi mỗi tháng: 60đ x 60 x 2 = 7200đ (thời bấy giờ số tiền này là khá to, có thể mua được 9 xe đạp Peugeot Pháp, mà nhà nào có được một cái xe này đã là loại sang).

Thày Quynh mở lớp học cấp tốc liền một mạch 9 tháng trời. Các học sinh học đủ thời gian ở đây đều lên 3 lớp 100%. Như vậy, thày Quynh qua việc mở lớp dạy học đã kiếm được số tiền: 7200đ x 9 = 64.800đ.

Từ đây, thày hoàn toàn lo cuộc sống tự lập, không có cha nào đỡ đầu nữa.


Còn tiếp........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét